Khuyến cáo được đưa ra đối với hơn 374.000 chiếc xe Ford thuộc các mẫu Ranger, Edge, Mustang và Fusion, được sản xuất từ năm 2004 - 2014, cùng khoảng 83.000 chiếc xe Mazda sản xuất từ năm 2003 - 2015. Khoảng 232.000 xe nằm trong diện khuyến cáo ở thị trường Canada, số còn lại là xe ở Mỹ.
Theo Cơ quan Quản lý an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA), túi khí Takata được trang bị trên những chiếc xe này có thể phát nổ khi va chạm, khiến mảnh kim loại bắn vào người ngồi trên xe dẫn đến thương tích hoặc thậm chí tử vong. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn chết người ở Mỹ. Tất cả các xe này đã được đưa trở lại xưởng nhưng việc sửa chữa vẫn chưa hoàn tất.
Thông báo của NHTSA nêu rõ chủ sở hữu có thể kiểm tra xem xe của họ có nằm trong danh sách khuyến cáo hay không trên trang web của cơ quan này. Khách hàng không nên lái những xe có tên trong danh sách xe cần được đưa về xưởng để khắc phục túi khí bị lỗi và cần liên hệ với đại lý hãng xe để đặt lịch sửa chữa miễn phí.
Đây là thông báo mới nhất trong một loạt khuyến cáo và đưa về xưởng để khắc phục lỗi đối với các xe được trang bị túi khí Takata trong hơn 10 năm qua.
Tháng 1/2024, các hãng sản xuất ô tô Toyota và General Motors đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp, yêu cầu khách hàng ngừng sử dụng khoảng 61.000 chiếc xe thuộc các dòng Corolla, Matrix, RAV4 và Pontiac Vibe đời cũ do lỗi túi khí Takata. Tháng 7/2024, BMW cũng đã đưa về xưởng để khắc phục khoảng 394.000 xe sản xuất từ năm 2006-2011 với lỗi tương tự.
Trước đó, theo tài liệu do giới chức an toàn liên bang Mỹ công bố ngày 10/7, Stellantis và BMW đã đưa về xưởng để sửa chữa khoảng 725.000 ô tô vì các vấn đề liên quan đến túi khí.
NHTSA nêu rõ cảm biến công tắc khóa dây an toàn của xe Stellantis có thể được kết nối không đúng cách, khiến túi khí ở ghế trước không thể bung ra khi cần. Điều này làm tăng nguy cơ chấn thương cho tài xế và người ngồi trên xe khi va chạm xảy ra.
Khoảng 330.000 xe bị ảnh hưởng bao gồm một số mẫu xe Alfa Romeo, Jeep và Fiat được sản xuất trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2024.
Stellantis đã phát hiện ra vấn đề trong quá trình xem xét định kỳ phản hồi của khách hàng.
Nhưng Stellantis không ghi nhận bất kỳ báo cáo tai nạn hay thương tích nào. Trong thông cáo báo chí, Stellantis nêu rõ tài xế có thể nhận thấy đèn túi khí của họ vẫn sáng sau khi khởi động xe, hoặc âm thanh nhắc nhở thắt dây an toàn được kích hoạt, ngay cả khi dây đã được thắt chặt. Stellantis khẳng định sẽ sửa chữa lỗi này miễn phí.
Còn BMW cho biết đợt thu hồi lần này liên quan đến khoảng 394.000 xe cũ từ năm 2006 đến năm 2011 có sử dụng túi khí Takata.
Thương hiệu túi khí ô tô Takata đã không còn tồn tại vào năm 2018 sau khi doanh nghiệp này phá sản do vụ bê bối túi khí, ảnh hưởng đến hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn cầu.
Kể từ năm 2009, thế giới đã ghi nhận hơn 30 trường hợp tử vong, trong đó có 26 trường hợp tử vong ở Mỹ, và hàng trăm trường hợp bị thương trên các ô tô của nhiều hãng khác nhau có liên quan đến lỗi túi khí của Takata.
Năm 2020, General Motors đã đưa về xưởng để khắc phục lỗi 7 triệu xe sản xuất trong giai đoạn 2007-2014 sử dụng bộ bơm túi khí Takata.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nhieu-hang-o-to-lon-dau-dau-voi-tui-khi-a165091.html