Đọc thông tin về ông cựu bí thư tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ mà sửng sốt về độ giàu của ông này.
Và không chỉ ông này.
Với các "công bộc" như thế này chúng ta không thể đề cập tới lương tâm, trách nhiệm, nhân cách và lòng tự trọng của họ được.
Họ, một mặt luôn nói những "lời hay ý đẹp" với cấp dưới, với nhân dân, nhưng tay họ thì cầm những đồng tiền bẩn, rất bẩn.
Nhớ hồi ông này bị công bố kỷ luật, thì sáng ấy, với tư cách bí thư tỉnh ủy, ông vẫn ngồi chủ trì một cuộc họp quan trọng cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Lúc ấy ông đã nhận hàng triệu đô la tiền hối lộ, nhận những món quà trị giá tiền tỉ, đã vi phạm rất nặng tới mức bị bắt.
Để thấy, sự liêm sỉ với những người như ông nó hết sức hiếm nếu không muốn nói là số không tròn trĩnh.
Và đấy mới chỉ một vụ.
Nên cái sự chúng ta từng ngạc nhiên về sự... quên cả thùng đô la hối lộ, giờ gặp trường hợp này, cũng không ngạc nhiên lắm nữa.
Thế nhưng mở miệng là luôn luôn "chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân".
Dư luận cũng đang hết sức "nể" độ giàu của một cựu giám đốc sở rất trẻ của tỉnh nọ khi ra tòa ly hôn. Và vì ly hôn phải kê khai tài sản để chia. Rồi chia không như ý nên ra tòa lần nữa...
Và những con số công bố giữa tòa khiến nhiều người... mơ ước, mơ ước cũng được giàu như họ.
Thực ra giàu chính đáng thì rất tốt, là mơ ước của tất cả mọi người, nhưng giàu như cựu bí thư Bến Tre, cựu bí thư Bắc Ninh, cựu chủ tịch Hà Nội vân vân thì nó bất nhẫn quá.
Bất nhẫn với chính nhân dân của họ, những người mà họ có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, có trách nhiệm giúp họ sống đàng hoàng bằng lao động cá nhân.
Hiện nay các cháu sinh viên đi làm thêm, nhân viên quán cà phê chẳng hạn, lương trả theo giờ, mỗi giờ khoảng từ 15 đến 20 ngàn đồng. Chưa bằng một ly cà phê.
Trong khi những ông như ông Yên (cựu phó ban nội chính Trung ương), ông Lê Đức Thọ, vài ông bà khác, đeo những cái đồng hồ hàng tỉ, thì VTV vừa đưa tin ba bố con một nhà kia ở trong căn phòng trọ 2m2 tại quận Tân Phú, thành phố HCM.
"Nghề" của ông bố là nhặt đồ cũ (dây sạc, củ sạc) ở các bãi rác về sửa lại rồi tối mang bán ở vỉa hè. Xem chương trình mà rơi nước mắt khi ông bố kể, cơm nhường cho các con ăn, chúng ăn còn thì bố ăn, hết thì... nhịn, và nhịn quen rồi.
Cô con gái lớn cũng nói nhịn quen rồi. Đói quá thì... ngủ, ngủ sẽ hết đói, trong khi nhiều người vẫn hay nói đói không ngủ được, thì mấy bố con nhà này lấy sự ngủ để... chống đói. Nhưng chưa hết.
Vì căn phòng bé quá, 2 đứa con gái ngủ là vừa khít nên đa phần ông bố... thức, bó gối ngồi thức suốt đêm, ban ngày con đi học mới tranh thủ ngủ.
Và họ đã sống như thế khá lâu rồi.
Tôi đã phải xem đi xem lại chương trình ấy để tin rằng nó là sự thật, có địa chỉ hẳn hoi, người thật việc thật và do một cơ quan báo chí lớn thực hiện.
Và rồi liên hệ tới những vị từng tai to mặt lớn kể trên, thì quả là, không thể còn sự bất nhẫn nào hơn.
Nhưng vẫn có những câu chuyện ấm lòng. Như kết thúc cái phóng sự ấy là một đơn vị tới mời ba bố con một bữa ăn, mà như lời ông bố, chưa bao giờ anh được ăn ngon như thế, và một khoản tiền tiết kiệm cho cô bé đi học.
Và mới nhất, một bạn facebook của tôi vừa chuyển cho tôi 4 triệu đồng nhờ chia sẻ với 2 nơi mà tôi hay xuống là trại điên Phước Hạt và mái ấm Chư Sê.
Điều khiến tôi day dứt và cảm động là, cô này bị bệnh, khá hiểm nghèo, và tiền ấy là tiền mọi người tới thăm ốm, cô ấy chia sẻ lại.
Cái trại điên ấy là của vợ chồng anh Phước chị Hạt tự làm tự nuôi hơn một trăm người điên khắp nơi trên cả nước đổ về, sau khi đi chữa trị nhiều nơi không khỏi.
Còn cái mái ấm là do ông Đinh Minh Nhật nuôi trẻ mồ côi, hiện đang có 148 cháu, từ sơ sinh tới tốt nghiệp đại học.
Họ cứ âm thầm làm như thế, lâu rồi.
Và những mô hình như thế trên nước này không ít, nhất là nuôi trẻ mồ côi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/giau-va-ngheo-va-long-tot-a165087.html