Vùng đất khó "thay da, đổi thịt" nhờ bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới

Mặc dù, cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân vùng sâu xã Ea Mdroh vẫn nhiệt tình hưởng ứng phong trào hiến đất để xây dựng các tuyến đường nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những đổi thay ở vùng đất "khó"

Có mặt tại xã Ea Mdroh (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) vào một ngày cuối tháng 8, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những bước chuyển mình tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới ở nơi đây. 

Những con đường nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy trước đây đã được thay thế bằng những tuyến đường bê tông. 

Bộ mặt nông thôn tại địa phương ngày càng "thay da, đổi thịt" là nhờ vào sự chung tay góp sức của bà con nhân dân và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.

Vùng đất khó "thay da, đổi thịt" nhờ bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Bộ mặt nông thôn tại địa phương xã Ea Mdroh ngày càng "thay da đổi thịt".

Ông Triệu Sinh Minh, Trưởng thôn Đại Thành (xã Ea Mdroh) cho hay, vào năm 1992, nhiều hộ dân người dân tộc Dao ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng di cư vào xã Ea Mdroh lập nghiệp. 

Đến nay, thôn Đại Thành có tổng cộng 100 hộ dân, với 500 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Dao chiếm 100% dân số của thôn.

Theo ông Minh, trước đây, để di chuyển ra trung tâm xã hoặc các thôn, buôn lân cận, người dân nơi đây phải vượt qua các đường đất nhỏ hẹp. Do mặt đường chỉ rộng khoảng 2m nên nhiều phương tiện gặp khó khăn khi tránh nhau trên đường. 

Vào mùa mưa, những con đường đất trở nên trơn trượt, lầy lội, có nhiều vị trí sâu đến đầu gối. Do đó, việc di chuyển của các phương tiện và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản của người dân vô cùng gian nan. 

Nhiều hôm, bà con đi làm rẫy cách nhà chỉ khoảng 6-7km nhưng nửa đêm, thậm chí gần sáng mới về được tới nhà.

Vùng đất khó "thay da, đổi thịt" nhờ bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Những con đường bê tông được xây dựng khang trang.

Đáng nói, việc tiêu thụ nông sản cũng là thách thức lớn với người dân địa phương nơi đây. Nhiều gia đình lặn lội chở nông sản đến địa phương khác cách khoảng 6-7km nhưng chỉ bán được với giá bèo bọt, chỉ hơn 3.000 đồng/kg bắp. Thậm chí, có những hộ cần tiền để lo việc trong gia đình, phải lên tiếng bán đất với giá trẻ nhưng chẳng có ai hỏi mua.

Những bất tiện về đường xá cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc đến việc học tập của học sinh trên địa bàn. Không ít hôm, trẻ đi học và trở về với thân hình lấm lem bùn đất vì bị té ngã xuống đường. Ám ảnh với những con đường đất lầy lội, nhiều cháu nhỏ thường xuyên nghỉ học vào những ngày trời mưa, thậm chí không có hứng thú với việc học tập.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Mdroh cho hay: "Dù trường tiểu học chỉ cách nhà từ 2,5-4km nhưng đường lầy lội nên trước đây, nhiều bậc phụ huynh phải cõng con đi bộ hơn nửa tiếng đồng hồ đến trường. Các cháu phải mang theo một bộ đồ, khi đến gần cổng trường dừng lại thay quần áo rồi mới vào lớp. Tận mắt chứng kiến những điều đó khiến tôi không khỏi đau lòng, xót xa".

Vùng đất khó "thay da, đổi thịt" nhờ bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 3.

Các tuyến đường giao thông nông thôn ngày càng được mở rộng.

Cho đến cách đây 1 năm, ngay khi nhà nước có chủ trương triển khai xây dựng tuyến đường nông thôn mới từ thôn Thạch Sơn đi thôn Hợp Thành với tổng chiều dài khoảng 2,5km, ông Tài đã tiên phong hiến đất và tài sản trên đất để phục vụ làm đường. Theo đó, gia đình ông đã hiến 400m2 đất và 70 cây cà phê đang trong thời kỳ thu hoạch, tổng giá trị hàng trăm triệu đồng.

Mặt khác, ông Tài còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường để thuận lợi cho việc đi lại, giao thương buôn bán, học tập của học sinh. 

Ông Tài chia sẻ: "Ngay sau khi có chủ trương làm đường nông thôn mới, có đến 95% hộ dân trên địa bàn thôn Thạch Sơn tự nguyện hiến đất phục vụ làm đường, một số hộ còn lại do chưa hiểu nên lúc đầu yêu cầu bồi thường giải phóng mặt bằng. Trước tình hình này, cán bộ xã thường xuyên đến các hộ dân tuyên truyền, vận động. Mưa dầm thấm lâu, sau đó, tất cả người dân trong thôn đã đồng lòng tự nguyện hiến đất, cùng với nhà nước xây dựng những con đường khang trang".

Vùng đất khó "thay da, đổi thịt" nhờ bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Mdroh nói về lợi ích của việc hiến đất làm đường nông thôn mới.

Hiểu ý nghĩa của việc làm đường nông thôn mới, vào tháng 11/2023, 100% người dân thôn Đại Thành rất phấn khởi, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các kiến trúc để làm tuyến đường liên thôn Đại Thành đi thôn Đồng Dao. 

Trong đó, nhiều hộ hi sinh tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông Triệu Sinh Minh khẳng định, đây là một thuận lợi rất lớn trong công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Lợi ích từ những tuyến đường nông thôn mới

Đến nay, sau một thời gian triển khai, nhiều tuyến đường đường nông thôn mới được trên địa bàn xã Ea Mdroh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân địa phương. 

Không chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại, những con đường này còn giúp người dân thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán, mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vùng đất khó "thay da, đổi thịt" nhờ bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 5.

Người dân xã Ea Mdroh cho biết, sau khi các con đường nông thôn mới được xây dựng không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán.

Ông Triệu Sinh Minh, Trưởng thôn Đại Thành lý giải: "Từ khi tuyến đường nông thôn mới được mở ra, người dân rất vui mừng vì cuộc sống ngày càng được cải thiện. Người dân không phải vận chuyển nông sản đến địa phương khác bán như trước đây nữa mà bán ngay tại vườn, với giá cao. Đơn cử, giá bắp tăng lên từ 4-4.800 đồng/kg".

Tương tự, anh Triệu Tiến Hình (SN 1984, trú cùng thôn Đại Thành) cho biết, gia đình tôi có 3 cháu nhỏ đang trong độ tuổi đi học. Sau khi con đường bê tông liên thôn Đại Thành đi thôn Đồng Giao đưa vào hoạt động, các con của anh chỉ mất khoảng 10 phút để đến trường và rất hào hứng đi học, không còn tình trạng nghỉ học như trước đây nữa. Cuộc sống của gia đình cũng ngày càng ổn định nhờ nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài những thuận lợi nói trên, giá đất cũng tăng lên theo những con đường mới. Một người dân trú tại thông Thạch Sơn (xã Ea Mdroh) chia sẻ: "Trước đây, đất tại thôn Thạch Sơn có giá chỉ có giá 30-40 triệu đồng/sào thì nay tăng lên hơn 100 triệu đồng/sào. Nhiều khu vực người dân bán với giá 20 triệu đồng/m. Do đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao".

Vùng đất khó "thay da, đổi thịt" nhờ bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 6.

Ông Triệu Sinh Minh (người thứ 2 từ phải qua), Trưởng thôn Đại Thành chia sẻ về sự hưởng ứng của người dân trong phong trào hiến đất làm đường nông thôn mới.

Vùng đất khó "thay da, đổi thịt" nhờ bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 7.

Anh Triệu Tiến Hình cho biết, nhờ có con đường nông thôn mới mà cuộc sống của gia đình anh ngày càng ổn định.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Ea Mdroh cho biết, xã Ea Mdroh nằm ở vùng sâu vùng xa với địa hình đồi núi. Toàn xã có tổng diện tích hơn 5.753ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 5.400ha. Hiện tại, xã có 1.818 hộ dân, với tổng số 8.502 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 76%.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, xã sẽ hoàn thành hơn 30km đường giao thông liên thôn và nội thôn. Theo quy định, quá trình thực hiện các tuyến đường này sẽ không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Do đó, ngay từ đầu năm, chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền qua nhiều hình thức để giúp bà con hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, trong đó người hưởng lợi trực tiếp là nhân dân.

Vùng đất khó "thay da, đổi thịt" nhờ bước chuyển mình trong xây dựng nông thôn mới- Ảnh 8.

Trẻ nhỏ tung tăng đi lại trên con đường bê tông mới được xây dựng.

Huyện Lộc Hà sẽ bị xoá tên sau khi vừa đạt chuẩn nông thôn mớiHuyện Lộc Hà sẽ bị xoá tên sau khi vừa đạt chuẩn nông thôn mớiĐỌC NGAY

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, giúp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền và vận động. 

Đặc biệt, tất cả cán bộ xã đều gương mẫu, đi đầu trong việc hiến đất để cùng với nhà nước xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Chủ tịch UBND xã khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con, các tuyến đường cơ bản đã được khởi công xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, xã Ea Mdroh đã thực hiện bê tông xi măng 24,33km đường giao thông tại các thôn, buôn với tổng kinh phí đầu tư 64,87 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh 62,780 tỷ đồng, ngân sách huyện 1,79 tỷ đồng, ngân sách xã và huy động khác 300 triệu đồng. Ngoài ra, nhân dân hiến 72.990m2 đất để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông, quy đổi bằng tiền trị giá 5 tỷ đồng.

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/vung-dat-kho-thay-da-doi-thit-nho-buoc-chuyen-minh-trong-xay-dung-nong-thon-moi-a164982.html