Với quyết tâm của cả hệ thống từ những chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, từ việc nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường đến sự chủ động lĩnh hội và cập nhật kiến thức của học sinh, sinh viên đã tạo nên một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp địa phương và góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Tính đến tháng 6/2024, có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: trong đó, 05 trường cao đẳng (thêm 03 cơ sở mới), 05 trường trung cấp (giảm 03 cơ sở), 05 trung tâm GDNN, 08 trung tâm GDNN-GDTX và 08 cơ sở hoạt động GDNN (giảm 10 cơ sở). Mạng lưới cơ sở GDNN được phân bố trên tất cả địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 cơ sở GDNN công lập. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở GDNN và doanh nghiệp tuyển mới các trình độ GDNN là 15.080 người (cao đẳng 55 người, trung cấp 78 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 14.947 người), đạt 50,3% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 và đạt 101,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lấy nhu cầu thực tiễn làm cơ sở đào tạo nguồn nhân lực
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, công tác GDNN của tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận những bước tiến quan trọng. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tổ chức giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm. Người lao động trên địa bàn cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc học nghề không chỉ để tạo ra cơ hội việc làm mà còn để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, vì vậy lựa chọn học nghề phù hợp với điều kiện cá nhân, năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội.
Công tác gắn kết GDNN với thị trường lao động và giải quyết việc làm đã đạt kết quả tích cực, sau khi tốt nghiệp các trình độ GDNN, trên 85% học sinh trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm; 92 - 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trình độ cao đẳng, trung cấp được doanh nghiệp tuyển dụng, bố trí vào vị trí phù hợp, đáp ứng nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp. Kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề đã góp phần tích cực, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33,5% (vượt 11% kế hoạch). Để có được những con số trên, Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) chỉ đạo các cơ sở GDNN đổi mới, tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.
Trường cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang hợp tác với Doanh nghiệp Hàn Quốc về đào tạo, hỗ trợ việc làm cho học sinh, sinh viên
Công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển trong khuôn khổ pháp luật, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng cường công tác hậu kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Sở LĐ-TB&XH tổ chức rà soát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy của nhà giáo GDNN, đồng thời triển khai cho các cơ sở GDNN đăng ký với Tổng cục GDNN nhu cầu bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN năm 2024.
Về tổ chức bộ máy hoạt động của các cơ sở GDNN đã ổn định, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư; cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo từng bước hoàn thiện. Mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng mở rộng, đa dạng hóa ngành, nghề đào tạo. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí cho các cơ sở GDNN công lập để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện đại phục vụ công tác GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp ở những ngành, nghề doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn tỉnh như: Công nghệ kỹ thuật điện, Điện tử và viễn thông, Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới,... Chương trình, nội dung đào tạo từng bước được cải cách để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.
Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện đại phục vụ công tác GDNN
Ngay từ đầu năm 2024, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện chính sách GDNN mới đến toàn thể người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động, trong đó có chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. UBND huyện, thị xã, thành phố đã lập dự toán, tổng hợp quyết toán kinh phí thực hiện chính sách cho đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị quyết số 61, gửi Sở Tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách làm thủ tục và thực hiện quy trình theo quy định. Những nỗ lực này không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo mà còn hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường lao động tại tỉnh.
Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án công nghệ cao
Tỉnh Bắc Giang đang triển khai Nghị quyết tỉnh Đảng bộ về Phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 theo hướng hiện đại, đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm đào tạo và sản xuất công nghiệp bán dẫn của vùng và cả nước. Tại hội thảo "Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sức mạnh của chip bán dẫn và công nghệ AI. Tỉnh Bắc Giang, với vị thế chiến lược và tiềm năng phát triển đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, cần tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ.
Dự báo tổng giá trị sản xuất ngành bán dẫn và AI dự kiến sẽ vượt 183.000 tỷ đồng vào năm 2030, chiếm 6% cơ cấu giá trị toàn ngành công nghiệp. Đây là một chỉ số quan trọng, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ và sự đóng góp của ngành này vào nền kinh tế tỉnh Bắc Giang. Để đáp ứng nhu cầu này, dự kiến lực lượng lao động cần thiết sẽ đạt khoảng 20.000 người vào năm 2030. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay là 8.074 lao động; trong đó 175 chuyên gia là người lao động nước ngoài, số lao động có trình độ đại học 707 lao động, trình độ cao đẳng là 775 lao động, trình độ trung cấp, sơ cấp là 74 lao động và 6.343 lao động phổ thông. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn, sử dụng trí tuệ nhân tạo; tham gia sâu vào khâu đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, sản xuất chất bán dẫn, sản xuất thiết bị trí tuệ nhân tạo là rất lớn.
Theo kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; giai đoạn 2025 - 2030, các trường sẽ căn cứ nhu cầu nguồn nhân lực thực tế của doanh nghiệp để đăng ký với cơ quan có thẩm quyền cấp phép mở thêm các ngành nghề phù hợp, trong đó đến năm 2030, dự kiến quy mô tuyển sinh đại học sẽ đạt trên 1.000 người/năm; trình độ cao đẳng dự kiến đạt trên 2.300 người/năm. Đây sẽ là lực lượng lao động nòng cốt thể hiện sự chủ động chuẩn bị, đi trước, đón đầu, đẩy mạnh thu hút đầu tư với những dự án lớn, có nhu cầu lao động cao hơn dự báo.
Hội thảo kết nối, đào tạo nguồn lao động cho ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Tỉnh phối hợp với các cơ sở GDNN hỗ trợ đào tạo cho 3.000 nhà giáo, sinh viên tham gia học trình độ đại học, sau đại học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI ở trong nước và nước ngoài (khoảng trên 600 người đi học tập ở nước ngoài); trong đó, khoảng 2.000 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 người học các ngành, nghề lĩnh vực công nghệ thông tin. Đào tạo cho 3.500 lao động trình độ cao đẳng trong đó có khoảng 2.500 lao động học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 lao động học các ngành, nghề lĩnh vực lĩnh vực công nghệ thông tin, AI,...
Xác định rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, AI, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra một số nhiệm vụ quan trọng cần tập trung triển khai, nhằm phát triển nguồn nhân lực để kịp thời đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động cho các doanh nghiệp. Trước tiên, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vai trò và tiềm năng của ngành. Đồng thời, việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này là rất cần thiết. Đầu tư vào nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo tại các GDNN cũng như đa dạng hóa các loại hình đào tạo sẽ góp phần quan trọng trong việc cung cấp nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở GDNN trong tỉnh với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước là cơ hội để tăng cường các hoạt động nghiên cứu, trao đổi, làm việc, nâng cao tay nghề. Cuối cùng, kịp thời nắm bắt thông tin, phân tích, dự báo nhu cầu nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo nói riêng để kịp thời định hướng công tác đào tạo, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu đào tạo sát với nhu cầu của các doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động các cấp trình độ./.
Hà Anh
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/bac-giang-cai-cach-va-nang-cao-giao-duc-nghe-nghiep-dap-ung-thi-truong-lao-dong-a164841.html