Trong một diễn biến bất ngờ, ông Pavel Durov, người sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Telegram, đã bị bắt ở Pháp cuối tuần qua.
Tin tức này đã gây hoang mang cho giới công nghệ và tạo hiệu ứng tài chính ngay lập tức. Đồng tiền điện tử Toncoin, vốn có liên hệ chặt chẽ với Telegram, đã giảm giá 13% sau khi có thông tin về việc bắt giữ ông Durov.
Vụ bắt giữ này là một bất ngờ đối với nhiều người, khi xét đến tầm ảnh hưởng của ông Durov trong ngành công nghệ và mức độ phổ biến của Telegram trên toàn cầu. Lý do đằng sau vụ việc này chưa sáng tỏ hoàn toàn, nhưng dư luận đang có nhiều suy đoán và lo ngại về số lượng người dùng khổng lồ của Telegram.
Đáp lại, Telegram ngày 25/8 đã phản ứng bằng thông điệp được đăng tải trên X (Twitter) và gửi cho người dùng Telegram. Trong thông điệp, Telegram khẳng định ứng dụng này tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, nhấn mạnh rằng các hành vi điều tiết nội dung của Telegram đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành và đang không ngừng cải tiến.
Công ty khẳng định rằng CEO Pavel Durov không có lý do gì để tránh đi lại ở châu Âu. Telegram cũng phản đối quan điểm cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nền tảng đó nên chịu trách nhiệm về việc người dùng lạm dụng dịch vụ của mình. Công ty bày tỏ tin tưởng vào một giải pháp nhanh chóng cho tình hình hiện tại và khẳng định lại cam kết của mình đối với người dùng.
Telegram là gì?
Telegram không chỉ là một ứng dụng nhắn tin. Được ra mắt vào năm 2013, Telegram đã phát triển từ một ứng dụng tin nhắn đơn thuần thành một mạng xã hội mạnh mẽ với một loạt các tính năng vượt xa so với tính năng nhắn tin văn bản cơ bản.
Hiện nay, Telegram cung cấp các kênh ẩn danh nơi mọi người có thể chia sẻ thông tin. Đây cũng là một nguồn tin tức cho người dùng. Bên cạnh đó, Telegram còn có các ứng dụng phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng. Ngoài ra, ứng dụng này còn có các tính năng tiền điện tử cho phép người dùng mua và bán hàng hóa và dịch vụ.
Điều làm cho Telegram khác biệt so với nhiều ứng dụng nhắn tin khác là trọng tâm vào quyền riêng tư và bảo mật. Ứng dụng này sử dụng mã hóa để bảo vệ tin nhắn của người dùng và được biết đến với lập trường chống kiểm duyệt. Điều này đã khiến Telegram trở nên phổ biến ở các quốc gia hạn chế tự do ngôn luận.
Tính đến năm 2024, theo Demand Sage, Telegram có khoảng 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng mạnh so với những năm trước, cho thấy ứng dụng này ngày càng được sử dụng phổ biến hơn. Số lượng người dùng của Telegram đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định, và có thêm hàng trăm triệu người dùng mới trong vài năm qua.
Các tính năng của Telegram, như các tùy chọn bảo mật nâng cao và tính linh hoạt trong hỗ trợ tin nhắn đa phương tiện, cuộc gọi thoại và video, đã góp phần gia tăng sức hấp dẫn của ứng dụng này trên toàn cầu. Telegram đặc biệt phổ biến ở các quốc gia như Ấn Độ, Nga, Ukraine và Iran.
Sự phổ biến của Telegram tăng vọt trong những khoảng thời gian khủng hoảng. Ví dụ, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, người dân Ukraine bắt đầu dành thời gian trên Telegram gấp tám lần so với trước đó. Ứng dụng này trở thành một công cụ quan trọng để chia sẻ tin tức, phối hợp các nỗ lực tình nguyện và thậm chí cảnh báo về các cuộc không kích ở những khu vực không thể nghe thấy còi báo động.
Thử thách giới công nghệ
Việc bắt giữ ông Durov đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Telegram. Thời gian tới, các thủ tục pháp lý liên quan đến vụ việc này sẽ là tâm điểm chú ý, nhất là các cáo buộc đối với ông Durov và phản ứng của ông.
Trong bối cảnh này, các hoạt động hàng ngày của Telegram có thể gặp gián đoạn, và công ty này có thể cần nhân sự lãnh đạo tạm thời. Những lo ngại về quyền riêng tư của người dùng cũng có thể tăng lên, buộc Telegram phải giải quyết những vấn đề này để duy trì niềm tin của người dùng.
Sự giám sát về mặt quy định được dự đoán sẽ gia tăng trên toàn thế giới, với khả năng sẽ có nhiều nỗ lực mới để quản lý Telegram. Các chính sách điều tiết nội dung có thể được thắt chặt nếu vụ bắt giữ nói trên liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp trên Telegram. Ngoài ra, tương lai của Toncoin và sự liên quan của Telegram đến tiền điện tử có thể ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử nói chung.
Trong các trường hợp cực đoan, thậm chí có thể nảy sinh các câu hỏi về quyền sở hữu và kiểm soát của Telegram nếu ông Durov gặp phải những rắc rối pháp lý lâu dài. Tương lai của Telegram sẽ phụ thuộc nhiều vào các cáo buộc cụ thể và phản ứng của các bên liên quan.
Việc bắt giữ ông Durov là một sự kiện địa chấn trong giới công nghệ. Diễn biến này cho thấy những thách thức mà các nền tảng trên toàn cầu đang phải đối mặt. Quyền riêng tư, bảo mật và vai trò của công nghệ trong thế giới kết nối giờ đây đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Vụ việc này sẽ có nghĩa gì đối với quyền riêng tư trong môi trường số? Nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp trên toàn cầu như thế nào? Và điều gì đang chờ đợi Telegram? Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể tái định hình bối cảnh kỹ thuật số toàn cầu.
Doanh nhân công nghệ người Nga Pavel Durov sinh năm 1984 ở Saint Petersburg. Năm 2006, khi vừa tốt nghiệp Đại học Saint Petersburg, chàng thanh niên Durov ở tuổi đôi mươi đã trở nên nổi tiếng khắp nước Nga sau khi thành lập mạng xã hội VKontakte (VK), để phục vụ nhu cầu của những người dùng tiếng Nga và đánh bại Facebook ở khắp các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Sau những mâu thuẫn với chính quyền Nga và cuộc chiến giành quyền sở hữu, năm 2014 Durov bán VKontakte và phát triển ứng dụng nhắn tin mới là Telegram. Ứng dụng này nhanh chóng thu hút được sự chú ý nhưng cũng gây tranh cãi, khi có nhiều ý kiến chỉ trích việc thiếu kiểm soát nội dung cực đoan.
Cho đến khi bị bắt, ông Durov vẫn là một nhân vật tương đối bí ẩn, hiếm khi trả lời phỏng vấn và thường chỉ đưa ra những tuyên bố hơi khó hiểu trên Telegram. Tự nhận là một người theo chủ nghĩa tự do, ông Durov ủng hộ việc bảo mật trên Internet và mã hóa tin nhắn. Vị doanh nhân từ chối cho phép kiểm duyệt tin nhắn trên Telegram, nơi người dùng có thể đăng video, hình ảnh và bình luận mà bất kỳ ai cũng có thể theo dõi.
Tỷ phú công nghệ bị giới chức Pháp đưa vào danh sách truy nã vì những hành vi phạm tội trên Telegram, từ gian lận đến buôn bán ma túy, bắt nạt trên mạng và tội phạm có tổ chức, thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố và gian lận.
Minh Đức (T/h theo Báo Tin Tức, Tiền Phong)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ceo-telegram-bi-bat-gioi-cong-nghe-choang-vang-hoang-mang-a164673.html