"Báu vật" của xứ Tiên - Hải Phòng
Người dân thôn Quan Bồ, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, rất tự hào khi quê hương có cây bồ đề trường tồn với thời gian. Theo những câu chuyện lưu truyền trong vùng và đánh giá của các nhà khoa học, ước tính cây có tuổi đời lên tới khoảng 1.500 năm.
Cây bồ đề tại thôn Quan Bồ gắn với chùa Đót Sơn, một trong những địa danh Phật giáo du nhập vào nước ta từ rất sớm. Theo các bia ký còn lưu giữ và truyền thuyết trong vùng, chùa Đót Sơn được xây dựng khoảng thế kỷ V - VI. Ban đầu chùa có tên là Chuyết Sơn, đến thế kỷ thứ X được đổi tên thành chùa Non Đông.
Vào thế kỷ XV, trong lần vãn cảnh chùa Non Đông, vua Lê Thánh Tông đã có bài thơ viết tại đây và được lưu lại trong văn bia của chùa. Sau đó, chùa được đổi tên thành chùa Đót Sơn và giữ tên gọi đó đến ngày nay.
Chùa Đót Sơn có quy mô lớn, rộng 8 mẫu và được coi là kỳ quan của Phật giáo Việt Nam. Ngôi chùa chính nằm ở hướng Đông với 100 gian. Xung quanh chùa chính có hành lang rộng 3m. Đằng sau, phía Tây có 100 pho tượng La Hán bằng đá. Chùa có một quả chuông nặng tới 5 tấn.
Sau này, do thời gian và chiến tranh tàn phá, chùa Đót Sơn không còn. Trên nền chùa cũ, bà con quê hương chung tay, góp tiền dựng lại chùa với quy mô nhỏ hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, cây bồ đề tương truyền các vị sư người Ấn Độ đem từ quê hương sang trồng cách đây khoảng 1.500 năm vẫn nguyên vẹn, tươi tốt.
Người dân trong vùng vẫn kể nhau nghe câu chuyện, trong một dịp sang Việt Nam, một nhà sư Ấn Độ đến thăm chùa Đót. Khi thấy cây bồ đề, nhà sư lập tức ngồi thiền, cung kính tụng kinh, niệm Phật.
Trò chuyện với nhân dân địa phương, nhà sư cho biết cây bồ đề chùa Đót Sơn rất có thể có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trong đó, đặc điểm dễ nhận biết nhất là phần cọng lá dài, to và dày hơn so với cọng của lá cây bồ đề thường thấy ở Việt Nam, quả khi chín vỏ màu đỏ sẫm và ăn rất ngọt.
Chung tay gìn giữ, bảo vệ cây quý
Hơn 15 thế kỷ trôi qua, nhưng cây bồ đề ở chùa Đót Sơn, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, vẫn tràn đầy sức sống với phần thân, cành khỏe khoắn. Hiện thân cây có đường kính khoảng gần 2 m phải 4 - 5 người trưởng thành mới ôm xuể. Tán cây vươn đều quanh gốc, xòe rộng theo hình mâm xôi bao phủ diện tích khoảng 300 m2.
Do ở cạnh cánh đồng, suốt 1.500 năm qua, khu vực gốc cây bồ đề chùa Đót Sơn trở thành nơi nghỉ chân hóng mát của bao thế hệ người dân thôn Quan Bồ sau những buổi làm đồng vất vả. Trong lúc rảnh rỗi, ngoài những câu chuyện về đồng áng, mùa màng, người dân địa phương thường trầm trồ về sức sống mãnh liệt của "cụ" bồ đề nghìn tuổi.
Trò chuyện với Người Đưa Tin, ông Lê Minh Khương - Bí thư Đảng ủy xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, cho biết, cây bồ đề là tài sản quý của quê hương. Bao năm qua, người dân địa phương luôn quan tâm, chăm sóc, bảo vệ.
Sau khi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản vào tháng 4/2015, việc chăm sóc, bảo vệ cây bồ đề chùa Đót Sơn được xã Cấp Tiến giao cho thôn Quan Bồ.
"Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tiên Lãng đã có ý tưởng xây dựng chuỗi du khảo đồng quê kết nối 3 xã đường 10 (các xã Tự Cường, Tiên Cường, Đại Thắng cùng thuộc huyện Tiên Lãng - PV) với các địa danh đầm sen, suối khoáng nóng và các cây di sản của huyện, trong đó cây bồ đề chùa Đót Sơn. Tuy nhiên, do một số khó khăn, đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Trong khi chờ tua du khảo đồng quê trở thành hiện thực, người dân thôn Quan Bồ nói riêng, xã Cấp Tiến nói chung, tích cực quảng bá cây bồ đề nghìn tuổi chùa Đót Sơn trên các trang mạng xã hội và nhận được sự quan tâm, phản hồi rất tích cực. Mong rằng một ngày nào đó, cây bồ đề và chùa Đót Sơn sẽ trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch", ông Lê Minh Khương - Bí thư Đảng ủy xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, chia sẻ.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/cay-bo-de-di-san-o-hai-phong-qua-15-the-ky-van-xanh-tot-a164503.html