Bộ Tài chính vừa công khai tỉ lệ giải ngân của 38 công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) đến ngày 31/7/2024.
Tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 bố trí cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT và dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý là 144.937 tỷ đồng, chiếm 21,7% tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (669.264 tỷ đồng).
Trong đó, các dự án quốc gia, trọng điểm ngành GTVT là 112.207 tỷ đồng; các dự án giao thông liên vùng là 32.730 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết ngày 31/7/2024, các dự án này mới giải ngân được được 43.507,8 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch vốn giao.
Trong đó, đáng chú ý là Dự án Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu – Sơn La nằm trong dự án thành phần có tỉ lệ giải ngân bằng 0.
Ngoài ra, một số dự án thành phần có tỉ lệ giải ngân rất thấp như Vành đai 3 – Tp.Hồ Chí Minh (Dự án TP1- TpHồ Chí Minh là 7%; Dự án TP3 Đồng Nai 9,7%; dự án TP2- Tp.Hồ Chí Minh 0,6%; Dự án TP8 – Long An 6,4%); Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội (Dự án TP1.3 – Bắc Ninh 3%; Dự án TP3 xây dựng đường cao tốc (PPP) – Hà Nội 2,5%).
Đối với 85 dự giao thông liên vùng do 61 địa phương quản lý, có 2 dự án giải ngân bằng 0% là: Dự án Đường ven biển đoạn qua tuyến khu vực cầu Cửa Tùng và Cửa Việt; Dự án Tuyến đường giao thông từ cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).
21 dự án sạt lở sông biển thuộc nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 do các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long quản lý. Trong đó có nhiều dự án đạt tỉ lệ giải ngân thấp như: Dự án đầu tư xây dựng kè Nhà Mát đoạn từ cầu Nhà Mát đến cống Nhà Mát, Tp.Bạc Liêu (giai đoạn 1) của tỉnh Bạc Liêu mới giải ngân đạt trên 3% kế hoạch vốn giao; Dự án Tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong và Dự án Kè chống sạt lở đường Bắc Kênh Mới của tỉnh An Giang mới giải ngân đạt lần lượt là 0,21% và 1,68% kế hoạch vốn giao.
Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công của các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, các dự án sạt lở sông biển sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 còn thấp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo đúng các Nghị quyết của Chính phủ và Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành, nhà thầu và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công; đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công các dự án chưa giải ngân và có tỉ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước đã được Bộ Tài chính công khai hàng tháng.
Đồng thời, chủ động rà soát và điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị gửi các bộ có liên quan để tổng hợp theo quy định.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/bo-tai-chinh-diem-mat-du-an-giao-thong-giai-ngan-dau-tu-cong-0-dong-a164486.html