Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk

Tại công trình đường giao thông có vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng đang thi công ở Đắk Lắk, xuất hiện nghi vấn về chất lượng vật liệu thi công công trình. Theo đó, quá trình làm móng đường lẫn lộn nhiều đá tổ ong.

Đá tổ ong xuất hiện tại công trình đường đang thi công

Ngày 16/8, PV Người Đưa Tin đã ghi nhận thực tế tại công trình Cải tạo, nâng cấp đường liên xã Cư Ni đi xã Ea Pal và xây dựng mới các trục đường khu dân cư xã Cư Ni, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Đây là công trình đang có nghi vấn về chất lượng vật liệu thi công công trình.

Theo ghi nhận của PV, tại một đoạn đường đang thi công, nhóm công nhân đang rải đá 4x6 để thi công nền, móng đường. Sau khi rải đá xong, nhiều chiếc xe lu tiến hành lu đường.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 1.

Công trình Cải tạo, nâng cấp đường liên xã Cư Ni đi xã Ea Pal và xây dựng mới các trục đường khu dân cư xã Cư Ni.

Theo quan sát, tại đoạn đường đang thi công xuất hiện nhiều viên đá tổ ong (hay còn gọi là đá phổi) lẫn lộn trong móng đường. 

Đặc biệt, nhiều viên đá tổ ong bị vỡ nát sau khi xe lu đi qua. Khi PV đập 2 viên đá tổ ong vào nhau thì những viên đá này dễ dàng bị vỡ nát... Điều này khiến nhiều người không khỏi nghi vấn về chất lượng vật liệu được sử dụng để thi công công trình.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 2.

Một đoạn đường tại công trình đang được nhà thầu thi công.

Sáng cùng ngày, PV đã phối hợp với cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Ea Kar xuống công trình để ghi nhận thực tế.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 3.

Trên nền móng đường lẫn lộn nhiều viên đá tổ ong.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 4.

Nhiều viên đá tổ ong được phóng viên nhặt tại đoạn đường đang thi công.

Ông Lê Xuân Lai, người quản lý công trình của Công ty TNHH Phú Xuyên khẳng định, việc một số đá tổ ong xuất hiện tại công trình không phải phần đa mà chỉ có một số ít. 

Theo đó, trong khoảng 650m3 đá 4x6 để thi công móng đường thì chỉ có khoảng 1% (tương đương với khoảng hơn 1cm3) đá tổ ong.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 5.

PV Người Đưa Tin phối hợp với các đơn vị ghi nhận thực tế tại công trình.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 6.

Máy múc đang cào, đưa lượng đá tổ ong lên xe tải để chở ra khỏi công trường.

Nói về nguyên nhân lẫn lộn đá tổ ong nói trên, ông Lai cho hay, trong một tầng đá sẽ có một lớp tổ ong. Do đó, khi xay sẽ lẫn lộn một ít đá tổ ong vào. Hơn nữa, đá được lấy từ trong mỏ đá ra thì sẽ có tạp chất. 

Khi đưa ra công trình, nhà thầu đã cho nhân công lượm, bóc tách những viên đá tổ ong bỏ ra để trả về mỏ. Ông Lai cho rằng, việc lẫn lộn đá tổ ong không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Cũng vào sáng 16/8, nhà thầu đã cho máy móc tiến hành cào, múc đá tổ ong lên xe tải để chở ra khỏi công trường. Tuy nhiên, trên đoạn đường đang được máy móc lu vẫn hiện hữu nhiều viên đá tổ ong.

Chủ đầu tư nói gì?

Một cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Ea Kar cho biết, theo quy trình, trước khi đưa ra công trường để thi công, vật liệu đá phải được thí nghiệm để kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào. Nếu đá đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thì mới được đưa vào thi công.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 7.

Đá tổ ong lẫn lộn trong móng đá đang thi công.

"Qua kiểm tra thực tế cho thấy, có một số ít đá tổ ong tại công trình. Chúng tôi sẽ cho anh em xem xét, kiểm tra lại chất lượng của đá. Đồng thời, sẽ yêu cầu đơn vị thi công kiểm tra hết lại, những cái không đảm bảo sẽ phải đưa ra khỏi công trường" – cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Ea Kar cho biết.

Cũng theo cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Ea Kar, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn, giám sát kiểm tra vật liệu đầu vào trên cơ sở các thí nghiệm cường độ đá tại mỏ đá được cấp phép. 

Chủ đầu tư giao trách nhiệm cho đơn vị tư vấn, giám sát kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào. Nếu cơ bản đảm bảo thì thống nhất đưa vào triển khai theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Là đơn vị tư vấn, giám sát của công trình nói trên, ông Lê Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư Lộc Đông (trụ sở tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, việc kiểm tra vật liệu đầu vào chỉ là bước đầu tiên để khởi động dự án. 

Sau đó, trong quá trình thi công vẫn phải kiểm tra, theo quy trình, cứ tập kết 200m3 cấp phối đá dăm và 500m3 đá 4x6 sẽ kiểm tra một lần, chứ không phải kiểm tra mỏ là xong.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 8.

PV có cuộc trao đổi với đại diện đơn vị tư vấn, giám sát tại công trình.

"Qua mỗi bước, mỗi giai đoạn, chúng tôi đều tiến hành thí nghiệm để kiểm tra độ chặt của móng đá, nếu đảm bảo thì mới cho thực hiện các bước tiếp theo. Còn nếu độ chặt không đảm bảo và không đủ độ dày của móng đường thì sẽ tiến hành lu lèn, bù chèn đá để đảm bảo độ chặt, cường độ đá rồi mới tiến hành tạt nhựa", ông Bảo nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư Lộc Đông cho biết thêm, cho đến thời điểm hiện nay, công trình đã thi công được hơn 1km, chỉ còn khoảng 300m mặt đường đang thi công... Tại hơn 1km đã làm xong cũng xảy ra tình trạng lẫn lộn đá tổ ong.

Theo lý giải của ông Bảo, đá tổ ong là một dạng đá 4x6, là lớp đá tầng phủ, khi xay trộn thì bị lẫn lộn một số ít tạp chất. Theo quy định, đá tổ ong không đạt tiêu chuẩn nên không được sử dụng để thi công công trình. Nhưng quá trình làm sẽ xảy ra trường hợp lẫn lộn đá này, đá nọ.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 9.

Dù nhà thầu cho biết, đã cho nhân công nhặt bỏ nhưng đá tổ ong vẫn lẫn lộn trong móng đường.

Quá trình giám sát, ông Bảo cho biết, đã yêu cầu nhà thầu nhặt bỏ đá tổ ong nhưng sẽ không hết được. Tuy nhiên, quá trình lu lèn, đầm chặt, bù chèn, thí nghiệm lại và đảm bảo chất lượng là được.

Để việc thi công công trình đảm bảo chất lượng, thuận lợi cho việc kiểm soát khối lượng thi công, ông Bảo cho hay, đơn vị tư vấn giám sát sẽ yêu cầu nhà thầu tổ chức thi công 300m đường/đợt, chứ không được thi công ồ ạt.

Ông Bảo cũng khẳng định, quá trình giám sát của đơn vị tư vấn, giám sát đều đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, không có sự sai khác.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 10.

Một lượng đá tổ ong đã được bóc tách ra khỏi móng đường.

Ông Nguyễn Tấn Thanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) khẳng định, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Ea Kar đã thuê đơn vị tư vấn, giám sát để tiến hành giám sát công trình, kiểm tra khối lượng.

Đơn vị tư vấn, giám sát có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công trong quá trình kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào đảm bảo các điều kiện, đảm bảo chất lượng thì mới được đưa vào công trình. Hàng tuần, hàng tháng, đơn vị tư vấn, giám sát tiến hành báo cáo cho chủ đầu tư.

Xuất hiện nghi vấn chất lượng vật liệu thi công công trình đường hơn 14 tỷ đồng ở Đắk Lắk- Ảnh 11.

Chủ đầu tư cho biết, đến nay, công trình đã thực hiện được khoảng 85%.

Bình Phước: Sửa chữa tuyến đường dân sinh sau phản ánh của Người Đưa TinBình Phước: Sửa chữa tuyến đường dân sinh sau phản ánh của Người Đưa TinĐỌC NGAY

Ông Thanh cũng khẳng định, khâu quản lý dự án của chủ đầu tư được tiến hành thường xuyên, liên tục. Qua đó, kịp thời khắc phục những sự cố ngoài hiện trường.

Đối với thông tin mà PV đã phản ánh về tình trạng đá tổ ong xuất hiện tại công trình đang thi công nói trên, ông Thanh cho hay: "Cơ bản anh em công trình cũng nắm bắt được. Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Ea Kar cũng đã yêu cầu các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, xác định lại đối với vật liệu này xem có đảm bảo hay không. Nếu không đảm bảo thì sẽ đưa khỏi công trình, chứ không thể để lại công trình".

Ngày 23/3/2023, UBND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) có Quyết định số 108/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình Cải tạo, nâng cấp đường liên xã Cư Ni đi xã Ea Pal và xây dựng mới các trục đường khu dân cư xã Cư Ni (huyện Ea Kar).

Theo quyết định nói trên, chủ đầu tư của công trình là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ea Kar. Mục tiêu đầu tư công trình nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn theo quy hoạch. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp tuyến đường huyện huyết mạch, xây dựng hệ thống giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Tổng chiều dài công trình là 2,903km, gồm 5 trục đường. Trong đó, trục 1 có chiều dài 2km (điểm đầu tại km0+00 giao đường Quang Trung, xã Cư Ni; điểm cuối tại km2+00 thuộc đường liên xã Cư Ni – Ea Pal). Trục, 3, 4, 5 theo quy hoạch. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2025.

Với quy mô nói trên, công trình có tổng vốn đầu từ là 14,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh là 13,25 tỷ đồng và ngân sách huyện là 1,25 tỷ đồng.

Thông tin từ đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Ea Kar cho biết, công trình nói trên được khởi công từ ngày 15/8/2023. Đơn vị thi công công trình là Công ty TNHH Phú Xuyên (trụ sở tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Đến nay, công trình đã thực hiện được khoảng 85%.

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/xuat-hien-nghi-van-chat-luong-vat-lieu-thi-cong-cong-trinh-duong-hon-14-ty-dong-o-dak-lak-a163569.html