Bản tin 14/8: Hà Nội triển khai học bạ số

Hà Nội triển khai học bạ số; Mẹ Hoa hậu Ngọc Châu qua đời vì tai nạn giao thông...

Hà Nội triển khai học bạ số

Theo Đại Đoàn Kết tính tới thời điểm hiện tại, Hà Nội có tới gần 98% trường tiểu học triển khai học bạ số. Đây cũng là địa phương dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học.

Tại Hội nghị Tổng kết thí điểm học bạ số cấp tiểu học, phát động triển khai ở cấp phổ thông năm học 2024 - 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 12/8, báo cáo cho thấy học bạ số ở cấp tiểu học được triển khai thí điểm từ tháng 4/2024. Hà Nội cũng là một trong 10 tỉnh, thành được Bộ GD&ĐT chọn triển khai thí điểm thực hiện Giáo dục kỹ năng công dân số thời gian tới. Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, đến nay 100% giáo viên, nhân viên các trường học tại Hà Nội đều có thể tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành, dữ liệu về học sinh; tính đến ngày 24/6, có 27.533/29.093 giáo viên, nhân viên các trường tiểu học đã được trang bị chữ ký số cá nhân, đạt tỉ lệ 94,64%.

Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm, hiện 18 trường tiểu học công lập và 6 trường tư thục trên địa bàn đã tham gia học bạ số. Phòng GD&ĐT đã lập số điện thoại riêng biệt để tiếp nhận, giải đáp kịp thời các trường trong thực hiện học bạ số. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thất cho biết, đến cuối tháng 12/2023, có 100% trường mầm non, phổ thông trên địa bàn đã được cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn. Hiện 100% trường tiểu học ở Thạch Thất đã triển khai học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4. Còn tại quận Hoàng Mai, hiện 99,88% trường học trên địa bàn thực hiện học bạ số, với 34.660 học sinh từ khối 1 đến khối 4…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Cương chia sẻ, quá trình triển khai học bạ số tại Hà Nội thời gian qua còn gặp vướng mắc như việc trang cấp chữ ký số cá nhân cho giáo viên, nhân viên ở các trường tư thục còn khó khăn; phát sinh các chi phí về chữ ký số, hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số; giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số; một số loại điện thoại chưa tương thích với phần mềm đòi hỏi phải nâng cấp, thay thế thiết bị; một số đơn vị giáo viên vẫn phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số…

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND Thành phố như: Ban hành văn bản sửa đổi Điều lệ trường học các cấp học; Quy chế tạo lập, quản lý, sử dụng học bạ số tạo hành lang pháp lý triển khai chính thức học bạ số từ năm học 2024 - 2025, đồng bộ từ cấp tiểu học, THCS, THPT; hướng dẫn giải quyết vấn đề một số nhỏ học sinh chưa có mã định danh từ cơ sở dữ liệu dân cư do gia đình, phụ huynh chưa thực hiện khai báo, làm thủ tục mặc dù đã được nhà trường và cán bộ phường, xã vận động tích cực; học sinh từ nước ngoài về nước học tập. Cùng đó, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện để tất cả giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục sẽ được cấp chữ ký số dùng chung của Ban cơ yếu Chính phủ (không phân biệt trường công, trường tư). Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông đảm bảo an toàn, bảo mật để có thể di trú Cơ sở dữ liệu của ngành GDĐT; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục để lưu trữ học bạ số… Theo đó, học bạ số cần phải được lưu trữ, duy trì vĩnh viễn trên môi trường trực tuyến.

Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, việc sử dụng học bạ số tăng cường tính minh bạch, tính hệ thống trong dữ liệu, tiết kiệm kinh tế khi thầy cô và các nhà trường trên cả nước không phải in hàng triệu cuốn học bạ. Chi phí tiết kiệm này có thể dùng để đầu tư cho các mục tiêu khác trong giáo dục.

Hàng chục cán bộ, chiến sĩ dập tắt đám cháy lớn

Bản tin 14/8: Hà Nội triển khai học bạ số- Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy.

Chiều 13/8, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, Công an tỉnh Bình Định, cho biết, lực lượng chức năng khống chế và kịp thời dập tắt đám cháy ở khu dân cư trên đường Lê Thánh Tôn, Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 10h30 cùng ngày, ngôi nhà 3 tầng số 49 Lê Thánh Tôn bỗng nhiên bốc cháy, ngọn lửa bùng lên từ tầng hai và bốc khói dữ dội.

Ngay khi phát hiện vụ cháy, người dân xung quanh đã cố gắng dập lửa, đồng thời báo chính quyền địa phương và lực lượng cứu hộ.

Tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Bình Định điều động 4 phương tiện cùng 35 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường.

Ngôi nhà kinh doanh các thiết bị điện tử, có nhiều vật liệu cháy và dễ bắt lửa. Ngọn lửa bùng phát từ tầng hai của ngôi nhà, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Clip vụ cháy xảy ra ở đường Lê Thánh Tôn, Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nguồn:Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Bình Định

Tại hiện trường, lực lượng cứu hộ đã tiến hành phun nước khống chế để lửa không lây lan sang các khu nhà bên cạnh. Đồng thời, bố trí lực lượng, dùng thang dây đưa cán bộ, chiến sĩ tiếp cận với tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà để khống chế đám cháy.

Đến 11h20 phút cùng ngày, lực lượng cứu hộ khống chế và dập tắt được đám cháy. Đám cháy không gây thiệt hại về người, nhưng tài sản bị thiêu rụi, kết cấu tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà bị hư hỏng.

Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Mẹ Hoa hậu Ngọc Châu qua đời vì tai nạn giao thông

Bản tin 14/8: Hà Nội triển khai học bạ số- Ảnh 2.

Hoa hậu Ngọc Châu và mẹ.

Chiều 13/8, Fanpage của Hoa hậu Ngọc Châu đăng tải thông báo cô vừa trải qua một mất mát vô cùng to lớn.

"Trong thời gian này, Hoa hậu Ngọc Châu xin phép tạm dừng mọi hoạt động và tạm hoãn các kế hoạch đã định, để dành thời gian ở bên gia đình trong giai đoạn khó khăn này. Ngọc Châu thành thật xin lỗi các đối tác và quý khán giả vì sự gián đoạn không mong muốn. Rất hy vọng nhận được sự cảm thông và thấu hiểu từ quý vị", đại diện công ty chủ quản của Hoa hậu Ngọc Châu cho hay.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, mẹ Hoa hậu Ngọc Châu qua đời sau va chạm với xe khách tại Tây Ninh.

Rất nhiều sao Việt như người mẫu Xuân Lan, Hoa hậu Hà Kiều Anh, Hoa hậu Phương Khánh, Hoa hậu Khánh Vân, ca sĩ Trung Quân, MC Quỳnh Hoa… gửi lời chia buồn sâu sắc trước mất mát của Hoa hậu Ngọc Châu.

"Xin chia buồn cùng Châu. Thương bạn lắm", "Thương em gái lắm. Anh xin được chia buồn cùng em và toàn thể gia đình. Mong em sớm vượt qua nỗi mất mát quá lớn này", "Thương em thật nhiều. Cố gắng lên nha Châu ơi. Mạnh mẽ lên để chu toàn lo cho mẹ. Ôm em thật chặt", "Ôm chị của em thật chặt. Từ trước khi gặp chị, em lúc nào cũng ngưỡng mộ tình cảm của bác và chị, từ đó mà thương bác nhiều hơn. Chị mạnh mẽ lên nha. Mọi người luôn bên cạnh chị"…

Ngọc Châu sinh năm 1994, trong gia đình có ba anh chị em ở Tây Ninh. Ngọc Châu mồ côi cha từ khi 5 tuổi. Suốt nhiều năm, mẹ cô một mình bươn chải kiếm sống và nuôi các con khôn lớn.

Phạt tù tối đa 15 năm với người chưa thành niên phạm tội: Bảo đảm tính răn đe, phòng ngừaPhạt tù tối đa 15 năm với người chưa thành niên phạm tội: Bảo đảm tính răn đe, phòng ngừaĐỌC NGAY

Chia sẻ về mẹ, Ngọc Châu từng nói cô luôn nghĩ đến mẹ.

"Mẹ là điểm tựa lớn để tôi cố gắng, phấn đấu. Mỗi khi gặp áp lực, không biết phải làm gì, tôi đều lấy điện thoại gọi cho mẹ. Đối với tôi, khoảnh khắc ý nghĩa nhất chính là ngày giỗ ba, được tụ họp với anh chị em và mẹ. Ba mất sớm, tôi chứng kiến mọi khoảnh khắc mẹ vất vả như thế nào. Bản thân tôi tự nhủ phải thành công để chăm sóc cho mẹ. Bài học lớn nhất mà mẹ mang đến cho tôi là sống tử tế, sống có ước mơ", Ngọc Châu nói.

Theo lời kể của Ngọc Châu, mẹ cô không quan tâm tới sức khỏe vì sợ tốn tiền và phát sinh bệnh. Khi có kinh tế, cô luôn theo dõi tình trạng sức khỏe cho mẹ và cải tạo nhà, lắp điều hoà, quạt để mẹ có môi trường sống tốt hơn.

Trúc Chi (t/h)


Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ban-tin-148-ha-noi-trien-khai-hoc-ba-so-a163222.html