Phim Việt cần gì để thoát khỏi 'cái bóng' của phim ngoại?

Từ đầu năm đến nay, phim Việt ra rạp hầu như trầm lắng, ngoại trừ 3 bộ phim điện ảnh tạo được "cơn sốt" phòng vé là "Mai", "Gặp lại chị bầu" và "Lật mặt 7: Một điều ước". Điều này cho thấy, phim Việt vẫn chưa tạo được sức hút cho người xem và đang bị cạnh tranh gay gắt với phim ngoại.

Đề tài vẫn xoay quanh chuyện gia đình

Ngày 30/8 tới đây, phim điện ảnh "Hai Muối" do đạo diễn Vũ Thành Vinh thực hiện sẽ được công chiếu tại rạp. Đây là bộ phim có chủ đề tình cảm gia đình, nói về câu chuyện tình cha con, được đạo diễn kỳ vọng sẽ chạm đến cảm xúc của khán giả qua vị mặn của muối và vị mặn của đời.

Nghệ sĩ Quyền Linh, sau hơn 20 năm vắng bóng màn ảnh sẽ quay trở lại cùng với dàn diễn viên chất lượng NSND Hồng Vân, NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh, diễn viên Minh Luân, Trần Kim Hải, Huỳnh Bảo Ngọc, Tú Tri, Năm Chà...

Chú thích ảnh Đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh chia sẻ về dự án phim điện ảnh "Hai Muối". Ảnh: K.K

Nói về bộ phim mình tham gia đóng trong "Hai Muối", nghệ sĩ Quyền Linh cho biết, đó là một thử thách không hề dễ dàng. Vì muốn mang lại hình ảnh nhân vật một cách chân thật nhất, không cần đến sự hỗ trợ của hóa trang, anh đã “nuôi” râu tóc suốt 6 tháng và nỗ lực giảm hơn 20kg trong khoảng thời gian ngắn.

Đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh chia sẻ: “Tôi hy vọng "Hai Muối" sẽ nhận được tình yêu thương và đón nhận của khán giả. Phim nói về hành trình trưởng thành nhiều đắng cay để đổi lại nhiều bài học của Muối, khiến khán giả thấm thía về giá trị của tình cha con, của tình cảm gia đình thiêng liêng”.

Xoay quanh chuyện tình cảm gia đình, từ đầu năm đến nay đã có nhiều bộ phim ra rạp, nhưng chỉ số ít trở thành "ông vua phòng vé", đem về hàng trăm tỷ đồng như: "Mai" (hơn 500 tỷ đồng), "Lật mặt 7: Một điều ước" (482 tỷ đồng) và "Gặp lại chị bầu" ( đạt 100 tỷ đồng).

Những bộ phim khác nói về tình cảm lứa đôi, đời sống xã hội nhưng doanh thu chỉ vài chục tỷ đồng như: "Đào, phở và piano" (đạt 20,8 tỷ đồng), "Cái giá của hạnh phúc" (đạt 26 tỷ đồng), còn lại là những bộ phim chỉ có doanh thu vài trăm triệu đến dưới 10 tỷ đồng như: "Đóa hoa mong manh" (430 triệu đồng); hay gần đây nhất là bộ phim "Mùa hè đẹp nhất", dù trước đó được đặt nhiều kỳ vọng nhưng cũng tiếp tục đi vào vết xe đổ thất thu. Ra rạp ngày 28/6 nhưng bộ phim đã phải nhanh chóng rời rạp với doanh thu hơn 4 tỷ đồng.

Trước “Mùa hè đẹp nhất”, loạt phim Việt thua lỗ có thể kể đến "Móng vuốt" (doanh thu 3,8 tỉ đồng), "Án mạng lầu 4" (doanh thu 1,9 tỉ đồng)… Hầu hết phim Việt đã chịu thua lỗ trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên, đứng trước thất bại phòng vé năm 2024, các nhà sản xuất vẫn bày tỏ sự ngạc nhiên, thậm chí “bàng hoàng” kêu cứu như Mai Thu Huyền, Xuân Lan.

Theo số liệu từ Box Office Vietnam, đến nay, doanh thu các dự án điện ảnh nội địa đã tăng trưởng vượt mốc 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, hai tác phẩm của hai đạo diễn Lý Hải ("Lật mặt 7: Một điều ước") và Trấn Thành ("Mai") đã chiếm tới hơn 2/3 tổng thị phần. Trong khi đó, trái ngược với thị trường điện ảnh Việt ảm đạm, thất thu, những phim ngoại đổ bộ Việt Nam công chiếu vào dịp hè này lại gây sốt, ấn tượng, có thể kể đến "Noobita và bản giao hưởng địa cầu" đạt gần 150 tỷ đồng, "Kẻ trộm mặt trăng" đạt hơn 130 tỷ đồng, "Những mảnh ghép cảm xúc 2" đạt gần 88 tỷ đồng…

Chú thích ảnh Phim "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải đem về doanh thu 482 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân khiến nhiều phim Việt thất thu, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho biết: "Sự chênh lệch về khoảng cách giữa các phim cho thấy chất lượng phim ở thị trường điện ảnh Việt Nam đang không ổn định và phát triển không bền vững. Vậy nên, từ đầu năm nay, ngoài 3 phim đạt được doanh thu lớn trên, các bộ phim khác như: "Móng vuốt", "Mùa hè đẹp nhất", "Cái giá của hạnh phúc"… tuy đề tài có chút mới lạ, góp phần đa dạng hóa thị trường phim Việt nhưng những câu chuyện, cách khai thác chưa đủ hấp dẫn, thú vị để thu hút khán giả".

Bên cạnh đó, phim ngoại chiếu tại Việt Nam thường là những bộ phim bom tấn, ngay cả những bộ phim hoạt hình cũng “làm mưa, làm gió” tại thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, doanh thu của các phim nước ngoài chiếu vào dịp hè ở Việt Nam năm nay đều thấy hầu như cao, nhiều phim cán mốc trên 100 tỷ đồng.

“Trong khi đó, thị trường điện ảnh Việt Nam trong mùa phim hè có một điểm yếu, đó chính là không có phim hoạt hình. Nguyên nhân, các nhà làm phim Việt chưa đủ khả năng để sáng tạo, sản xuất ra các bộ phim hoạt hình chiếu rạp chất lượng, hấp dẫn như nước ngoài. Đây là một điều rất đáng tiếc khi phim Việt đang bỏ lỡ một thị phần khán giả trong dịp hè dành cho điện ảnh", nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt nói.

Kỳ vọng vào phim kinh dị và chuyển thể

Nhà sáng lập Box Office Vietnam Nguyễn Khánh Dương cho biết: "Theo quan sát của chúng tôi, so với trước dịch COVID-19, sự quan tâm và xu hướng ra rạp của khán giả với điện ảnh Việt đã có sự thay đổi lớn. Có thể thấy, hai nhà làm phim Trấn Thành và Lý Hải đều là những người nắm bắt được tâm lý của khán giả rất tốt nên họ không gặp nhiều khó khăn trong việc tạo ra những tác phẩm phù hợp với thị hiếu chung của khán giả”.

Chú thích ảnh Phim điện ảnh Việt hiện nay thiếu vắng những bộ phim hoạt hình dành cho giới trẻ. Ảnh poster phim Connan.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không phải phim nào cũng nắm bắt đúng trọng tâm tâm lý của khán giả, đặc biệt là giới trẻ - chiếm đa số thị phần người xem phim ở rạp hiện nay. Do đó, các tác giả, tác phẩm, đạo diễn phim điện ảnh phải đa dạng hóa kịch bản, phù hợp thị hiếu thì mới có thể thu hút được khán giả.

Cũng theo ông Nguyễn Khánh Dương, dù nửa đầu năm 2024, thị trường điện ảnh Việt có phần ảm đạm nhưng từ nay cho đến cuối năm, cũng có thể kỳ vọng rằng thị trường điện ảnh Việt sẽ có sự bứt phá và thay đổi khi xuất hiện một loạt phim kinh dị được lấy cảm hứng từ các truyền thuyết dân gian Việt Nam.

Sau thành công về doanh thu của các phim kinh dị Việt gần đây như: "Quỷ cẩu", "Kẻ ăn hồn", "Bắc kim thang", "Chuyện ma gần nhà"… các nhà làm phim Việt đang có xu hướng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong tác phẩm của mình. Từ nay đến cuối năm, có ít nhất 4 phim mang màu sắc kinh dị, tâm linh sẽ ra mắt, gồm: "Ma da" (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng, dự kiến khởi chiếu vào 16/8), "Làm giàu với ma" (đạo diễn Nguyễn Nhật Trung, dự kiến khởi chiếu vào 30/8), "Cám" (đạo diễn Trần Hữu Tấn, dự kiến khởi chiếu vào tháng 9) và "Linh Miêu" (đạo diễn Lưu Thành Luân, dự kiến khởi chiếu vào 22/11).

“Đây là những bộ phim được sản xuất bởi các nhà làm phim có tên tuổi, từng có nhiều tác phẩm thành công. Vậy nên, chúng ta có thể đặt niềm tin từ giờ đến cuối năm những tác phẩm kinh dị này sẽ có mức doanh thu ổn định, thậm chí sẽ có tác phẩm đạt doanh thu cao”, ông Nguyễn Khánh Dương chia sẻ.

Bên cạnh đó, dòng phim chuyển thể cũng được chờ mong vào nửa cuối năm, đặc biệt những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong đó, phim "Ngày xưa có một chuyện tình" được kỳ vọng sẽ tạo tiếng vang cho thị trường điện ảnh nửa cuối năm.

Chú thích ảnh Hai bộ phim kinh dị Việt sẽ khởi chiếu trong tháng 8 này được các nhà làm phim kỳ vọng sẽ đi đúng xu hướng và đem về doanh thu phòng vé. Ảnh poster phim "Ma da" và "Làm giàu với ma".

"Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự bứt phá của điện ảnh Việt cuối năm, đặc biệt mùa phim Tết sẽ khá sôi động bởi đến nay, nhà làm phim Trấn Thành hay Tiến Luật và Thu Trang đều công bố dự án phim mới cho ra rạp vào dịp này. Nhưng để điện ảnh Việt có thể có những thay đổi đồng bộ, đồng đều hơn, các nhà làm phim cần chú trọng đầu tư hoàn thiện hơn nữa từ khâu ý tưởng, kịch bản cho đến cách quảng bá tác phẩm. Đồng thời, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải mở thêm các cụm rạp cho để phục vụ cho các bộ phim chất lượng", nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho biết.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt của phim Việt không chỉ có phim ngoại mà còn có cả phim trực tuyến, khiến những nhà làm phim Việt lo lắng cho những "đứa con tinh thần” sắp ra rạp. Thực tế, thói quen xem phim của khán giả đã có sự thay đổi lớn, nhất là những năm gần đây, sự phát triển bùng nổ của các nền tảng chiếu phim trực tuyến cũng như dàn âm thanh, tivi hiện đại ngày càng phát triển đã khiến khán giả ít ra rạp. Trong khi đó, trên những nền tảng này có đầy đủ các thể loại phim của nhiều quốc gia, từ điện ảnh đến phim bộ dài tập, khán giả tha hồ lựa chọn. Bởi vậy, việc lôi kéo khán giả đến rạp đã khó nay lại càng khó.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, một dự án phim ra rạp đạt doanh thu trăm tỉ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và ngày càng trở nên khó đoán. Chính vì vậy, phim Việt đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết trên hành trình đưa khán giả đến rạp.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/phim-viet-can-gi-de-thoat-khoi-cai-bong-cua-phim-ngoai-a162972.html