Xét xử người tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc để lừa đảo

Dù không có chức năng làm thủ tục tách thửa, nhưng bị cáo Nguyễn Minh Phúc vẫn nhận 70 triệu đồng rồi làm giả 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo người nhờ mình.

Thuê làm sổ đất giả để lừa đảo

Theo kế hoạch, ngày mai (6/8), TAND huyện Củ Chi (Tp.Hồ Chí Minh) sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Minh Phúc (tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc, 41 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) về các tội tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (có khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù) và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (có khung hình phạt từ 3 - 7 năm tù).


Xét xử người tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc để lừa đảo- Ảnh 1.

Nguyễn Minh Phúc sẽ bị xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo cáo trạng, năm 2021, bà L.T.H.T. (50 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, Tp.Hồ Chí Minh) mua một thửa đất có diện tích 420,3m2 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi với giá 2,4 tỷ đồng.

Do có ý định tách thửa đất nói trên thành 2 thửa, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng nên ngày 7/10/2022, thông qua L.V.V. (33 tuổi, trú huyện Củ Chi), bà T. quen biết Nguyễn Minh Phúc và nhờ Phúc làm thủ tục tách thửa đất nói trên.

Dù không có khả năng làm thủ tục tách thửa và cũng không có mối quan hệ nào để làm thủ tục tách thửa nhưng Phúc vẫn đồng ý nhận làm thủ tục tách thửa đất theo yêu cầu của bà T.. Theo thỏa thuận, bà T. đồng ý trả cho Phúc 135 triệu đồng để lo trọn gói thủ tục tách thửa.

Sau đó, bà T. chuyển trước cho Phúc 70 triệu đồng. Nhận được tiền, Phúc không liên hệ cơ quan chức năng để tách sổ cho bà T. mà lên mạng xã hội đặt làm giả 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà T..

Khi nhận được 2 giấy chứng nhận giả, Phúc đưa cho bà T. một giấy. Còn một giấy giả và một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà T., Phúc cất vào két sắt, đợi khi nào bà đưa hết số tiền 65 triệu đồng còn lại mới đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả thứ hai.

Kiểm tra giấy chứng nhận do Phúc đưa, bà T. thấy thiếu nhiều dữ liệu như tọa độ, diện tích…nên đã yêu cầu Phúc cập nhật bổ sung. Lúc này, Phúc tiếp tục làm giả 6 giấy chứng nhận khác và mất phí 30 triệu đồng.

Do nghi ngờ tính pháp lý của giấy chứng nhận đã tách thửa (hình dấu rõ so với các giấy khác, không có tọa độ, không đóng thuế thổ cư…) nên bà T. đã mang đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Củ Chi kiểm tra. Nghi ngờ giấy chứng nhận mà Phúc đưa là giả mạo nên chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và bà T. đến công an tố giác hành vi của Phúc.

Song song đó, bà T. cũng yêu cầu Phúc đưa lại giấy chứng nhận bản chính cho bà. Do bà T. chưa trả đủ tiền nên Phúc nói dối là bên dịch vụ còn giữ giấy. Hành vi của Phúc nhằm chiếm đoạt số tiền 135 triệu đồng của bà T..

Tại thời điểm hành vi bị phát giác, cáo trạng xác định Phúc đã làm giả 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được tách thửa và chiếm đoạt của bà T. số tiền 70 triệu đồng.

Bị bắt khi trở về từ Thái Lan

Sau khi hành vi bị phát hiện, Phúc trốn sang Thái Lan. Một thời gian sau, Phúc nghĩ mọi chuyện đã "êm" nên trở về Việt Nam và bị Công an huyện Củ Chi triệu tập đến làm việc.

Xác định Phúc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nên Công an huyện Củ Chi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đề điều tra.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Phúc, công an thu giữ 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm 1 giấy chứng nhận bản gốc và 9 giấy được giám định là giả).

Tại cơ quan điều tra, Phúc khai báo quanh co, không thừa nhận tội. Tuy nhiên, trước các chứng cứ không thể chối cãi, Phúc phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Quá trình điều tra, Nguyễn Minh Phúc giao nộp thêm 1 giấy chứng nhận tăng ni, thể danh: Thích Tâm Phúc; 1 bằng Thạc sĩ Luật kinh tế và 1 bằng Tiến sĩ ngành Luật tôn giáo; 1 giấy chứng nhận điệp thọ... Theo kết luận giám định các giấy chứng nhận này đều là giả.

Đối với hành vi của ông V., cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ chứng cứ chứng minh đồng phạm với Phúc. Hiện, ông V. đã đi khỏi địa phương, Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi đã ra thông báo truy tìm, khi nào có kết quả sẽ xử lý sau.

Đối với 2 chủ tài khoản Zalo làm giả giấy tờ, cơ quan điều tra đã tách hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức ra để điều tra làm rõ, xử lý sau.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Minh Phúc do Thẩm phán Hà Thị Xuân Lan - Chánh tòa Hình sự TAND huyện Củ Chi làm chủ tọa, dự kiến kéo dài trong 1 ngày.

Trước khi bị bắt trong vụ án nêu trên, Nguyễn Minh Phúc từng xuất hiện trong nhiều clip trên mạng xã hội. Trong các clip được lan truyền, Phúc tự xưng là Thích Tâm Phúc, khoác pháp phục tu hành.

Nguyễn Minh Phúc có nhiều phát ngôn gây sốc, thậm chí có phần trái với giáo lý đạo Phật và xúc phạm tôn giáo.

Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi sau đó đã làm rõ và cho biết Phúc tự nhận mình là Đại đức Thích Tâm Phúc và là người giả danh tu sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các loại giấy tờ như chứng điệp thọ giới, giấy chứng nhận tăng ni, quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa và một số giấy tờ liên quan khác mang tên Đại đức Thích Tâm Phúc là giả mạo, được cắt ghép, sao chụp ảnh chữ ký của lãnh đạo và khuôn dấu của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/xet-xu-nguoi-tu-xung-la-dai-duc-thich-tam-phuc-de-lua-dao-a162379.html