Thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (3/8) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/8 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá các loại xăng dầu đều được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng giảm.
Cụ thể, Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 3/8 như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 21.616 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 22.603 đồng/lít. Dầu diesel không quá 19.878 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.095 đồng/lít. Dầu mazut không quá 16.886 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 1-8. Giá dầu diesel giảm nhiều nhất, 316 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 292 đồng/kg, xăng E5 RON 92 giảm 284 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 281 đồng/lít. Dầu hỏa giảm ít nhất, 231 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp của giá xăng dầu trong nước.
Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục biến động
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (2/8), giá dầu trượt dốc gần 4%, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 1 sau dữ liệu việc làm của Mỹ và dữ liệu kinh tế của Trung Quốc.
Đáng chú ý, giá dầu Brent giảm 2,71 USD, tương đương 3,41%, xuống mức 76,81 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2,79 USD, tương đương 3,66%, xuống mức 73,52 USD/thùng.
Theo Reuters, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 7 đã tăng 114.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với mức 215.000 việc làm/tháng được thêm vào trong 12 tháng qua và mức 200.000 việc làm mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số. Cùng với tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm hơn dự kiến, tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 4,3% làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái.
Bên cạnh đó, số liệu kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, cũng gây tác động tiêu cực lên thị trường "vàng đen". Về hoạt động nhập khẩu và lọc dầu tại Trung Quốc trong tháng 6 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động sản xuất suy yếu tại nền kinh tế lớn thứ 2 này làm tăng thêm mối lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.
Thêm vào đó, một cuộc khảo sát mới đây cho thấy hoạt động sản xuất yếu hơn trên khắp châu Á, châu Âu và Mỹ, gây áp lực lên nhu cầu năng lượng.
Trong khi đó, cuộc họp mới đây của các bộ trưởng dầu mỏ của OPEC và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) đã kết thúc với chính sách sản lượng dầu được giữ nguyên.
Theo chính sách của OPEC+, một số thành viên được khuyến khích loại bỏ dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 10 năm nay đến tháng 9 năm sau. Nhóm OPEC+ cũng đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày trước đó cho đến cuối năm 2025.
Trước biến động thị trường xăng dầu thế giới, đặc biệt sự quay đầu lao dốc của giá dầu, Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics, cho biết đó là do sự dịch chuyển đánh giá từ địa chính trị sang dữ liệu kinh tế.
Trong một cuộc khảo sát dựa trên dữ liệu vận chuyển và thông tin từ các nguồn trong ngành, trong tháng 7, OPEC đã bơm 26,70 triệu thùng/ngày, tăng 100.000 thùng/ngày so với tháng 6.
Ngày 1/8 Cuộc họp của OPEC+ đã kết thúc với chính sách sản lượng dầu của nhóm được giữ nguyên, bao gồm kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ mức cắt giảm sản lượng từ tháng 10.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/gia-xang-dau-truot-dai-xuong-muc-thap-nhat-hai-thang-a162213.html