Cơ hội trong thách thức
Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở (Frasers Property Vietnam) nhận định, trong các năm vừa qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tập trung ở lĩnh vực sản xuất, chiếm 60 - 70%. Đây là điều làm gia tăng nhu cầu về BĐS công nghiệp và các tiện ích đi kèm để phục vụ cho các hoạt động sản xuất.
“Có thể nói, Việt Nam là quốc gia có các đoàn xúc tiến đầu tư nước ngoài nhiều nhất trên thế giới, cộng với các hiệp định thương mại tự do là những yếu tố giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thế giới trong bối cảnh thương mại toàn cầu có các chuỗi bị đứt gãy”, ông Trương An Dương chia sẻ.
Theo ông Trương An Dương, thời gian qua, làn sóng FDI thế hệ mới vào Việt Nam tập trung vào các ngành như: Công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, sản xuất ô tô, năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, trong chuỗi sản xuất toàn cầu không chỉ có Việt Nam mà còn phải cạnh tranh với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…
“Các quốc gia này cũng đã phát triển rất nhiều chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề trên. Ví dụ điển hình như Thái Lan có thế mạnh trong sản xuất ô tô, Malaysia có nền tảng phát triển rất tốt trong ngành bán dẫn trong 20 - 30 năm vừa qua… Đây sẽ là những yếu tố cho thấy Việt Nam sẽ cạnh tranh rất nhiều trong thời gian tới”, ông Trương An Dương nói.
Ông Hardy Diec, Giám đốc điều hành Công ty KCN Vietnam cũng cho biết: "Khi gặp gỡ các đối tác, chúng tôi luôn đưa ra các điểm sáng về thu hút đầu tư tại Việt Nam một cách thuyết phục với các nhà đầu tư FDI. Cụ thể, Việt Nam đã tăng cường cơ sở hạ tầng, tận dụng tỷ lệ lao động chất lượng cao...".
Tuy nhiên, theo ông Hardy Diec, nhà đầu tư FDI không chỉ nhìn vào điểm sáng mà còn nhìn vào những khó khăn, đó là chính sách đầu tư. Vì thế, cùng với những điểm sáng trên thì việc tiếp tục thay đổi môi trường kinh doanh, cụ thể là quy trình cấp giấy phép cũng nên thay đổi. Đây là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp FDI có thể đầu tư thuận lợi hơn.
Cùng quan điểm, ông Tom Over, Giám đốc Vận tải và công nghiệp JLL Vietnam châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia nổi bật trong khu vực về BĐS công nghiệp, tuy nhiên vẫn còn một số quan ngại từ các doanh nghiệp FDI. Thực tế, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia là 3 quốc gia được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Trong đó, Việt Nam là quốc gia mang lại nhiều cơ hội nhất. Thế nhưng, một số nhà đầu tư lựa chọn Thái Lan và Malaysia vì ở đây, họ có được sự rõ ràng về những ưu đãi cho nhà đầu tư, bên cạnh đó là giấy phép và nguồn lao động.
Ngoài ra, xanh hoá cũng là xu hướng chú ý thời gian tới. Hiện nhiều công ty, nhà đầu tư đang quan tâm đến câu chuyện ESG, làm sao cần phát thải carbon ít... KCN Vietnam cũng đang theo đuổi xu hướng này nhằm đóng góp vào quá trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo ông Hardy Diec, khi nói về xanh hóa thì thử thách lớn nhất là chi phí. Chắc chắn, sẽ có một tỷ lệ phần trăm quỹ đất doanh nghiệp sử dụng cần chi phí để thuận hòa với môi trường.
Đón đầu cơ hội “vàng”
Trao đổi với các nhà đầu tư tại VIPF 2024, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư với các nước, đặc biệt là sự ổn định về chính trị, giúp nhà đầu tư nước ngoài xác định mục tiêu đầu tư lâu dài. Tiếp đến, nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì được mức độ tăng trưởng cao ổn định, có sự hội nhập sâu rộng khi tham gia vào 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) - nơi có sự tham gia của các nền kinh tế lớn, nên có không gian vô cùng lớn, nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Một lợi thế rất lớn nữa là Việt Nam có thị trường trên 100 triệu dân, lực lượng lao động dồi dào với 57 - 59 % người trong độ tuổi lao động và đang được bổ sung với trình độ rất tốt. Thay vì trước đây thu hút đầu tư lao động giá rẻ, giờ đây Việt Nam có điều kiện thu hút đầu tư chất lượng cao hơn nhờ chất lượng lao động được nâng lên. Về chính sách, các đột phá chiến lược mà Chính phủ tập trung thực hiện đang thay đổi hàng ngày hàng giờ. Cụ thể như hạ tầng có sự phát triển vượt bậc về đường bộ, hàng không, tương lai là đường sắt.
Hiện nay, Chính phủ đang quyết liệt tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các mảng liên quan đến ngành mới như bán dẫn, Al, công nghệ cao… Chính phủ đều thành lập các tổ công tác để trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư. Về lĩnh vực công nghệ cao, hàng tuần Chính phủ và các Bộ, ngành đều họp trao đổi để đề xuất những chính sách hỗ trợ cho đầu tư. Trong đó, Chính phủ đã thành lập tổ công tác để hiện thực mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.
“Nhiều nhà đầu tư nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn, đây là cơ hội tốt. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, đây là cơ hội nghìn năm có một trong thu hút đầu tư chất lượng cao, là cơ hội cho thị trường BĐS công nghiệp phát triển bùng nổ trong thời gian tới”, ông Vũ Văn Chung nhận định.
Theo ông Vũ Văn Chung, xu hướng hiện nay là chuyển từ trạng thái thu hút đầu tư sang hợp tác đầu tư nước ngoài để cùng nhau phát triển, cùng hưởng thành quả. Dù có nhiều tín hiệu lạc quan trong việc thu hút đầu tư ngành bán dẫn nhưng ông Vũ Văn Chung vẫn lưu ý, việc chuyển sang thu hút FDI chất lượng cao có chọn lọc đặt ra thách thức cho các Ban quản lý các khu công nghiệp, đó là cần nâng cao chất lượng như quy mô phải lớn hơn, hạ tầng đồng bộ hiện đại hơn, đảm bảo môi trường xanh hơn... Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà phát triển khu công nghiệp.
Một nội dung nữa cần lưu ý là giá dịch vụ khu công nghiệp cần giữ ở mức hợp lý, bởi nếu cứ tăng giá thì đến lúc nào đó khả năng cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng. Về giải pháp tăng cường thu hút ngành bán dẫn, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế thu hút đầu tư có chọn lọc liên quan đến ngành Al, bán dẫn. Cụ thể, thành lập quản lý quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó có cơ chế ưu đãi cho ngành bán dẫn; nguồn quỹ này cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phục vụ cho các ngành mũi nhọn của Việt Nam.
Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các chính sách ưu đãi hiện nay để tập trung vào những ngành trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm. "Khi các chính sách ưu đãi này được Quốc hội thông qua, tôi tin rằng sẽ hỗ trợ nguồn lực cho thu hút đầu tư nước ngoài; đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường BĐS công nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư”, ông Vũ Văn Chung kỳ vọng.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/doanh-nghiep-fdi-mong-muon-xay-dung-moi-truong-dau-tu-canh-tranh-va-ben-vung-a161845.html