Cụ thể, theo kế hoạch số 202 do ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp.Hà Nội đã ký ban hành, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập của toàn Thành phố; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.
Đến năm 2030, chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.
UBND Tp.Hà Nội yêu cầu các đơn vị xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch, chính sách khuyến khích xã hội hóa, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư tham gia, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập: Rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập.
Xây dựng phương án rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian; thực hiện đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế.
Tiếp nhận các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành về Thành phố quản lý để cơ cấu lại với các đơn vị sự nghiệp công lập cùng lĩnh vực trên địa bàn. Nâng cao năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đẩy mạnh tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý và thực hiện phê duyệt Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phấn đấu đến năm 2025, thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên đối với các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức khoa học công nghệ công lập hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và các đơn vị sự nghiệp kinh tế khác. Thực hiện tự chủ tài chính một phần đối với giáo dục mầm non và phổ thông.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ha-noi-giam-toi-thieu-10-don-vi-su-nghiep-cong-lap-a159379.html