Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên cho biết, trong thời gian xây dựng Đề án, Cục đã nhận được nhiều ý kiến góp ý nhằm chỉnh lý, hoàn thiện một số nội dung của Đề án.
Theo đó, Cục đã tổ chức cuộc họp Tổ biên tập dự thảo Đề án nhằm tiếp thu, chỉnh lý các nội dung: về sự cần thiết xây dựng dự thảo Đề án (bổ sung cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới); về mục tiêu (bổ sung mục tiêu tổng quát và chỉnh sửa, bổ sung mục tiêu cụ thể); về thời gian thực hiện Đề án; về các nhiệm vụ, giải pháp (những vấn đề chung, các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, tổ chức thực hiện)…
Trong thời gian tới, Cục PBGDPL sẽ tổ chức họp Ban soạn thảo dự thảo Đề án; tổ chức khảo sát về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL tại bộ, ngành, địa phương và tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả khảo sát; tổ chức các hội thảo góp ý dự thảo Đề án; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Đề án trình Lãnh đạo Bộ cho ý kiến trước khi gửi xin ý kiến của bộ, ngành, địa phương…
Cho ý kiến tại cuộc họp, đại diện các đơn vị cho rằng để đảm bảo chất lượng, tính khả thi của Đề án cả về chuyên môn pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin thì cần có sự tham gia xây dựng của đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số…; đồng thời các đại biểu cũng cho ý kiến về việc chỉnh lý, sửa đổi các nội dung: sự cần thiết xây dựng dự thảo Đề án; thời gian thực hiện Đề án; về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể…
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc nhận định, đây là Đề án khó và là lĩnh vực mới của Bộ, ngành Tư pháp với sự kết hợp giữa chuyên môn và công nghệ thông tin, công nghệ số. Hiện tại, Cục đang mở rộng việc lấy ý kiến của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục PBGDPL cần tiếp thu ý kiến của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án bởi đây là lĩnh vực mới. Cục cũng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng đề nghị Cục PBGDPL cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; xây dựng Đề án gắn với các chương trình trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, trong đó có việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số; gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành tư pháp; cần tìm ra các cách tiếp cận chuyển đổi số trong công tác PBGDPL mới gắn với các đối tượng được thụ hưởng…
Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới Cục cần nghiên cứu, tăng cường các điều kiện triển khai chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; xây dựng mục tiêu cụ thể: xây dựng dữ liệu số về PBGDPL của các bộ, ngành, địa phương…; đồng thời cần đảm bảo sự an toàn, an ninh, thông suốt thông tin trong chuyển đổi số về PBGDPL…
LS
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/day-manh-chuyen-doi-so-trong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-a159327.html