Đối diện với nhiều khó khăn
Vụ Hè Thu 2024 tỉnh Ninh Thuận tổ chức sản xuất trên 23.460 ha; trong đó, diện tích cây lúa trên 13.460 ha, diện tích cây màu 10.000 ha. Toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi hơn 597 ha cây trồng các loại, trong đó chuyển đổi sang cây ngắn ngày hơn 456 ha và cây dài ngày khoảng 141 ha. Do tình hình nắng hạn một số địa phương phải dừng sản xuất với tổng diện tích 3.396 ha, trong đó cây lúa 2.404 ha, cây màu 992 ha.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại huyện Thuận Nam một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng bởi nắng hạn. Trên địa bàn huyện có 6 hồ lớn đảm nhận vai trò cung cấp nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc và nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay 4 hồ trong số đó gồm CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ và Sông Biêu đã hết nước hoặc có mực nước thấp hơn mực nước chết. Tại xã Phước Ninh, hồ Suối Lớn có dung tích thiết kế khoảng 1,1 triệu m3 nhưng từ tháng 4 đã không còn đủ khả năng cung cấp nước, khiến 135 ha đất sản xuất chủ yếu là cây lúa thuộc cánh đồng thôn Tân Bổn nằm trong vùng tưới buộc phải dừng sản xuất.
Khó khăn không chỉ đối với cây lúa mà việc tìm kiếm nguồn nước cho các loại cây lâu năm như táo, măng tây và rau màu cũng đang gặp nhiều trở ngại. Ông Nguyễn Văn Châu, trưởng thôn Thiện Đức, xã Phước Ninh cho biết, toàn thôn có 384 hộ dân chủ yếu làm nông nghiệp. Để có nước tưới người dân phải lắp đặt đường ống bơm nước từ sông Lu và các giếng lên để chống hạn. “Toàn thôn có 11 giếng bơm chống hạn được nhà nước hỗ trợ đầu tư nhưng hiện nay chỉ có 2 giếng đang bơm nước tưới ổn định, các giếng còn lại bị hụt nước hoặc nhiễm phèn do khô hạn", ông Châu chia sẻ.
Vụ Hè Thu 2024, huyện Thuận Nam đã tạm dừng sản xuất hơn 1.771 ha, bao gồm hơn 1.556 ha lúa và 215 ha cây màu tại các xã Phước Hà, Nhị Hà, Phước Nam và Phước Ninh. Do nguồn nước khan hiếm, các địa phương chỉ đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng 88 ha; trong đó, chuyển đổi 8 ha đất lúa và 80 ha đất khác sang cây ngắn ngày với diện tích 85 ha, cây dài ngày là 3 ha. UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó với hạn hán với mục tiêu: “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”.
Ông Khưu Lê Khắc Trí, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có mưa nhưng lượng mưa không đáng kể và các hồ chứa đang ở mực nước chết, do đó không thể đảm bảo điều kiện cho sản xuất. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương và người dân không gieo trồng ở những vùng không chủ động nguồn nước tưới trong vụ này. Đối với diện tích đất lúa bà con nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang một số loại cây ngắn hạn để sản xuất. Đối với diện tích đất màu thực hiện luân canh cây trồng ở các khu vực có ao hồ trữ nước và giếng nước chống hạn đã được Nhà nước và nhân dân đầu tư.
Chủ động sản xuất phù hợp
Tính đến ngày 3/7 tổng lượng nước của 23 hồ chứa do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận quản lý còn 125,07 triệu m3/417,70 triệu m3 dung tích thiết kế. Trong đó có 2 hồ (hồ Ông Kinh, CK7) đã hết nước; 5 hồ (Suối Lớn, Bầu Ngứ, Sông Biêu, Lanh Ra, Bầu Zôn) có mực nước thấp hơn mực nước chết. Riêng hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) lượng nước phục vụ tưới cho vùng hạ du của tỉnh thông qua nhà nhà máy thủy điện Đa Nhim còn 61,03 triệu m3/165 triệu m3 dung tích thiết kế.
Hiện nay, nguồn nước từ hồ Đơn Dương và một số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, nguồn nước cho sản xuất vụ Hè Thu năm 2024 vẫn đang trong tình trạng khó khăn do diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, thường xuyên xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan không theo quy luật.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, Ninh Thuận tập trung sản xuất lúa vụ Hè Thu 2024 đối với các vùng đảm bảo được nguồn nước tưới và đảm bảo duy trì tới vụ Mùa tiếp theo. Những vùng thiếu nước cơ bản, đủ điều kiện thì địa phương cho chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước tưới, cây ngắn ngày để bà con duy trì sản xuất. Đối với những vùng thiếu nước nghiêm trọng thì địa phương ưu tiên nước uống sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc gia cầm, rồi đến cây lâu năm, còn lại dừng hẳn sản xuất đối với vùng thiếu nước hiện nay.
UBND tỉnh giao ngành nông nghiệp phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, các huyện, thành phố tăng cường quản lý, điều tiết nguồn nước nước tưới đảm bảo kịp thời, hiệu quả; đảm bảo 100% nước tưới phục vụ khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng kế hoạch. Các địa phương kiên quyết không tưới những diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch và không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp; cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng để tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất các loại cây trồng, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân trong việc thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có đề xuất, điều chỉnh kịp thời.
Để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tăng cường quản lý, tổ chức vận hành hiệu quả các hệ thống cấp nước; thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho nhân dân sinh hoạt. Đối với các địa phương và người dân, cần chủ động triển khai các giải pháp tích trữ nước sinh hoạt vào thời điểm có mưa; trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giải quyết thức ăn cho đàn gia súc; thực phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, có kế hoạch di chuyển đàn gia súc đến các khu vực thuận lợi về thức ăn, nước uống để ứng phó khi hạn hán xảy ra.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/san-xuat-vu-he-thu-2024-thich-ung-voi-nang-han-a158894.html