Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng chưa có tác động trong năm nay
Tại Họp báo về Kết quả công tác 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, thông tin về kết quả sản xuất trong 2 quý đầu năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước (CKNT);
Thu hoạch 3,48 triệu ha, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6% (trong đó vụ Đông Xuân 20,3 triệu tấn, tăng 0,7%.
Tại họp báo, thông tin về Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng, Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường thông tin, đây là chủ trương lớn của Bộ Nông nghiệp, hiện đang được xây dựng giải pháp kỹ thuật về quy trình canh tác, thực hiện các mô hình thí điểm ở địa phương và sẽ chưa có tác động gì đến sản lượng lúa gạo trong năm nay.
Ông Cường nhấn mạnh, Bộ không thể làm những phương án mang tính chất thí điểm, thử nghiệm trên người nông dân. Chính vì vậy cần có bước đi thận trọng, tất cả các đề án đưa ra đều cần đảm bảo sự ổn định, chắc chắn.
Đối với vấn đề xuất khẩu gạo, ông Cường cho biết, trong thời gian tới, nếu Ấn Độ có ý định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, chắc chắn sẽ tác động ngay và luôn, tác động mạnh mẽ tới các nước xuất khẩu gạo như thái Lan, Việt Nam… bởi xuất khẩu gạo của Ấn Độ chiếm tới 40%. Chính vì vậy, nếu Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu xuất khẩu về lượng gạo và giá gạo cũng sẽ bị tác động.
Về tình hình chăn nuôi, trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm (đặc biệt là dịch Tả lợn Châu Phi), Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 58 ngày 16/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Đồng thời tăng cường chỉ đạo các địa phương ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhờ đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định: Đàn lợn ước tăng 2,9%; sản lượng thịt hơi 2,54 triệu tấn, tăng 5,1%.
Đàn gia cầm ước tăng 2,3%; sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn, tăng 4,9%và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%. Đàn trâu ước giảm 3,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 62,1 nghìn tấn, tương đương CKNT. Đàn bò ước giảm 0,9%; sản lượng thịt 255,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng sữa 643,7 nghìn tấn, tăng 5,5%.
Về lâm nghiệp, đại diện Bộ Nông nghiệp thông tin, cả nước chuẩn bị 593 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích rừng trồng mới tập trung 125,5 nghìn ha, tăng 1,2%; trồng phân tán 40,8 triệu cây, tăng 0,5%.
Về thuỷ sản, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với việc tiêu thụ nông lâm thủy (NLTS), tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, hầu hết các nhóm lĩnh vực đều tăng trưởng dương. Cụ thể, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS khoảng 20,92 tỷ USD.
Về công tác đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Nông nghiệp đã yêu cầu lập phương án chi tiết để thực hiện, giải ngân số vốn kế hoạch năm 2024 được giao theo từng tháng, từng quý với mục tiêu giải ngân tối đa vốn.
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp được giao 9.935,3 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/6/2024, ước giải ngân 4.652 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch, cao hơn mức 31,4% của 6 tháng đầu năm 2023 và là cơ quan có tỉ lệ giải ngân cao nhất cả nước.
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc
Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Thu Đông và vụ Mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường.
Theo dõi sát sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực (như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm ở ĐBSCL) để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỉ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP).
Thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là các bệnh DTLCP, bệnh LMLM, cúm gia cầm, viêm da nổi cục... Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC.
Tiếp tục phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương;
Hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tạo động lực tăng trưởng Ngành.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, khí tượng thủy văn để triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Thường trực, kiểm tra, theo dõi sự cố đê điều, hướng dẫn, đề xuất biện pháp xử lý đối với hệ thống đê điều từ cấp III trở lên trong mùa mưa, bão.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tong-kim-ngach-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-dat-hon-29-ty-usd-a158448.html