Chủ đầu tư phải đáp ứng đầy đủ quy định
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND Hòa Vang thông tin, địa phương đã giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các chủ đầu tư làm hồ sơ đảm bảo các nội dung quy định theo Bộ tiêu chí về các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng đã ban hành.
Căn cứ về Bộ tiêu chí xét chọn, UBND huyện chỉ đạo, phân công các phòng ban chuyên môn của huyện phối hợp thẩm định hồ sơ theo chức năng của ngành: Phòng Kinh tế và Hạ tầng thẩm định đối chiếu về quy hoạch, hạ tầng; Phòng Tài nguyên Môi trường thẩm định pháp lý đất đai và mục đích sử dụng đất; Phòng Văn hóa và Thông tin thẩm định các hoạt động du lịch; Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định phương án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thẩm định về trật tự xây dựng.
Mô hình đăng ký thí điểm phải đáp ứng các tiêu chí của huyện trong đó nhấn mạnh thật sự phù hợp, thu hút, tham gia giải quyết việc làm tại chỗ, tuyệt đối không để các trường hợp đầu tư trở thành điểm sinh hoạt vui chơi cho gia đình. Những trường hợp mặc dù đảm bảo các điều kiện tuy nhiên không đảm bảo về giao thông, tác động ảnh hưởng đến môi trường, an ninh quốc phòng… thì Tổ thẩm định tham mưu UBND huyện không xem xét chấp nhận cho thí điểm. Qua trao đổi giữa người có nhu cầu với tổ thẩm định phần lớn các hồ sơ không đảm bảo và yêu cầu cá nhân nộp hồ sơ tự rút hồ sơ.
Hồ sơ sau thẩm định được UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin lấy ý kiến bằng phiếu các thành viên tổ thẩm định, sau đó tổ chức buổi làm việc trực tiếp đối với chủ đầu tư để các ngành chuyên môn góp ý để chủ đầu tư chỉnh sửa, hoàn thiện.
Tổ thẩm định gồm các thành viên là trưởng các ngành chuyên môn của huyện và lãnh đạo UBND huyện tổ chức các buổi đi kiểm tra thực tế các mô hình đảm bảo đủ điều kiện theo hồ sơ đã trình bày tại buổi làm việc, xem xét điều kiện thực tế và sự phù hợp trong việc khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm, nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Sau buổi kiểm tra thực tế, UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt thống nhất thí điểm đối với các mô hình đảm bảo tất cả các điều kiện và có cam kết thực hiện đúng theo Nghị quyết của chủ đầu tư.
Công tác quản lý, giám sát được UBND huyện giao cho các phòng ban chuyên môn và UBND xã liên quan thực hiện để bảo đảm cho chủ đầu tư triển khai thực hiện mô hình theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo thực hiện đúng theo các nguyên tắc của Đề án đã ban hành. Định kỳ mỗi tháng một lần Phòng Văn hóa và Thông tin đi thực tế kiểm tra và báo cáo tình hình cho UBND huyện để theo dõi.
Các Chủ đầu tư đều chấp hành tốt quy định về bảo vệ môi trường, thu gom rác; có phương án xử lý chất đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật. Các mô hình thí điểm cam kết về bảo vệ môi trường, thực hiện đúng phương án bảo vệ môi trường đã mô tả trong Phương án đăng ký. UBND huyện giao Phòng Tài nguyên Môi trường và UBND xã thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường tại các mô hình thí điểm, không để ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và người dân xung quanh khu vực dự án.
Trong quá trình hướng dẫn và thẩm định mô hình của nhà đầu tư, các ban ngành phối hợp thẩm định và tổ chức các buổi làm việc trực tiếp để góp ý cho các chủ đầu tư hoàn thiện phương án, hỗ trợ thông tin, giải đáp các nội dung vướng mắc liên quan đến các ngành và thường xuyên tổ chức kiểm tra liên ngành để hướng dẫn, giám sát việc triển khai của các tổ chức, cá nhân thực hiện thí điểm.
“Gắn sao” sản phẩm OCOP thành phố đạt chuẩn
Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Hòa Vang chia sẻ, qua công tác thẩm định hồ sơ, đi kiểm tra thực tế và lấy ý kiến các đơn vị chuyên môn, hiện nay đã có 6 mô hình được UBND huyện thống nhất chủ trương.
Thứ nhất, mô hình An Phú Farm của chủ đầu tư Dương Hiển Tú tại thôn Hội Phước, xã Hòa Phú. Thứ hai, mô hình Banarita Glamping Farm của chủ đầu tư Lê Thanh Tuấn tại thôn Hội Phước, xã Hòa Phú. Thứ ba, mô hình Khu sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch của chủ đầu tư Nguyễn Đức Tùng tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc. Thứ tư, mô hình Vườn Nho Thung lũng Nam Yên của chủ đầu tư Phạm Thị Trinh tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc. Thứ năm, mô hình Sơn Phước farm của chủ đầu tư Nguyễn Văn Diệp tại thôn Sơn Phước xã Hòa Ninh. Sau cùng, mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản An Châu của chủ đầu tư Lê Cổ - Lê Xuyên tại thôn An Châu xã Hòa Phú.
Hiện nay, đã có 4 mô hình đi vào đón khách và hoạt động ổn định là mô hình An Phú Farm; mô hình Banarita Glamping Farm; mô hình Vườn Nho Thung lũng Nam Yên và Khu sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch của ông Nguyễn Đức Tùng.
Qua 9 tháng đưa vào vận hành, các mô hình đã chứng minh việc tích hợp thương mại dịch vụ vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông nghiệp tăng giá trị lên gấp nhiều lần và có tiềm năng lớn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang hiện nay.
Các mô hình đều tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 25 đến 30 lao động địa phương. Trung bình 8 đến 10 lao động mỗi mô hình, mức lương cơ bản từ 6 đến 8 triệu, mỗi người một tháng. Tổng doanh thu đạt hơn 3,5 tỷ đồng. Trong đó, Banarita Glamping Farm đạt 2 tỷ đồng, An Phú Farm đạt 800 triệu đồng, Vườn Nho thung lũng Nam Yên đạt 600 triệu đồng, Khu trải nghiệm của ông Nguyễn Đức Tùng hơn 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các mô hình này còn giúp tiêu thụ nông sản và sản phẩm đặc sản OCOP của huyện. Ngoài ra, các điểm du lịch nông nghiệp đang triển khai hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi giải trí, dã ngoại của học sinh và người dân đô thị Đà Nẵng. Hàng tháng các khu Banarita Glamping Farm, An Phú Farm, Vườn Nho thung lũng Nam Yên đón từ 1000 đến 1500 khách du lịch.
Đáng lưu ý, tháng 2/2024 khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố đạt chuẩn 4 sao. Trước đó, vào tháng 11/2023 khu du lịch An Phú farm đã được chấm sơ bộ đạt 4 sao. Hiện chủ đầu tư đang lập hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố.
“Các dịch vụ du lịch được triển khai đa dạng, hiệu quả, thiết thực đúng theo định hướng của Nghị quyết và đóng góp tốt vào nguồn thuế. Huyện triển khai Nghị quyết chậm nhưng chắc, đảm bảo thủ tục pháp lý”, ông Tân nhìn nhận.
Lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang cũng nhìn nhận, một số công trình phụ trợ để phục vụ phát triển du lịch và sản xuất tại mô hình thí điểm như: lối đi nội bộ, bãi đổ xe, hồ chứa nước tưới, công trình vệ sinh, bể xử lý nước thải…, chiếm diện tích lớn, cần phải sang gạt cục bộ mặt bằng để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định không cho phép, nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn.
Định hướng phát triển lâu dài
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 14/3/2024 về kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch du lịch vùng rừng núi và quy hoạch vùng vui chơi giải trí dưới nước khu vực huyện Hòa Vang để kêu gọi đầu tư phát triển, cung cấp sản phẩm du lịch trải nghiệm, sinh thái tự nhiên; phát triển chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu hình thành 2 sản phẩm OCOP du lịch 3 sao trở lên, 2 hợp tác xã du lịch cộng đồng, 100% cơ sở du lịch được đào tạo kỹ năng cần thiết để phục vụ du lịch; hình thành mạng lưới liên kết du lịch nông thôn đặc thù của huyện Hòa Vang…
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/da-nang-nang-tam-du-lich-sinh-thai-cong-dong-a157948.html