Bổ sung hóa đơn sau kiểm tra
Ngày 21/6, lãnh đạo Công an Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) cho hay, các xe ben chở đất từ mỏ Gò Chùa (thôn Tấn Lộc, xã Phổ Châu, thị xã Phổ Đức) của công ty Công ty TNHH MTV Hải Phước về san lấp Dự án Khu Đô thị phía Nam khu xăng dầu Việt Hưng (Phường Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) đã bổ sung hóa đơn đất san lấp sau khi bị tạm giữ, kiểm tra.
Trước đó, ngày 13/6, từ tin báo của Người Đưa Tin, lực lượng chức năng Phòng CSGT (Công an tỉnh Bình Định) phối hợp công an TX Hoài Nhơn kiểm tra 6 xe ben khi đang trên đường chở đất từ mỏ Gò Chùa về Dự án Khu Đô thị phía Nam khu xăng dầu Việt Hưng.
Tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện này đều không xuất trình hóa đơn nên bị tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, chưa đầy 24 tiếng sau, các phương tiện “bổ sung” hóa đơn “đất san lấp’ xuất ngày 13/6/2024. Theo đó, bên bán hàng Công ty TNHHH MTV Đầu tư và xây lắp HB (trụ sở Mộ Đức, Quảng Ngãi) cho bên mua hàng là cá nhân bà Nguyễn Thị Th.Th. (Đức Phổ, Quảng Ngãi), đơn giá gần 41.000 đồng/m3 đất.
Lãnh đạo Công an thị xã Hoài Nhơn cho hay, đơn vị chỉ kiểm tra về mặt hóa đơn chứng từ hàng hóa. Hóa đơn được bổ sung trong thời gian quy định nên đơn vị không tạm giữ phương tiện. Đồng thời, khi tiếp nhận thông tin về việc có đất san lấp này được chở vào Bình Định, không đúng thông tin giấy phép khai thác, không đúng địa chỉ nhận tiêu thụ, công an thị xã sẽ chuyển vụ việc ra cơ quan chức năng Quảng Ngãi để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Gran Việt Hưng (chủ đầu tư dự án Khu Đô thị phía Nam khu xăng dầu Việt Hưng) cho biết, đơn vị đã làm việc với Công an thị xã Hoài Nhơn và cung cấp hóa đơn về nguồn gốc đất san lấp. "Dự án có nhu cầu mua đất san lấp để triển khai dự án nên họ bán thì chúng tôi mua. Mua lẻ có mất chục khối và có hóa đơn cả", ông này cho hay.
Khi PV hỏi về việc đất từ mỏ Gò Chùa bán vào Bình Định là trái quy định giấy phép khai thác, ông Bình cho hay “Cái này tôi không biết được đâu. Họ bán có hóa đơn thì mình mua. Hải Phước là đơn vị vận chuyển”.
Cần xử lý nghiêm
Theo luật sư, pháp luật liên quan khai thác khoáng sản có quy định rõ ràng, chặt chẽ, càng hành vi vi phạm cần xử lý nghiêm để đảm bảo trật tự, công bằng đồng thời ngăn chặn nguy cơ thất thoát tài nguyên, thuế phí nhà nước. Thời gian qua, hoạt động khoáng sản diễn biến phức tạp, do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát về khoáng sản, đặc biệt đất, cát có ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu thị trường, người dân.
Liên quan bổ sung hóa đơn đất trong vòng 24 tiếng, Luật sư Hải Nhi, Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho hay, theo Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP việc bổ sung này chỉ quy định đối với “hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu hoặc tại địa điểm khác (gọi chung là hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường)”.
Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, nếu tại thời điểm kiểm tra, đơn vị không có hóa đơn sẽ tùy vào giá trị lượng khoáng sản vận chuyển mà mức phạt sẽ từ 300.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo Luật sư Nhi, đối với hành vi khai thác đất không đúng với giấy phép về mục đích khai thác, không đúng địa chỉ tiêu thụ (cấp phép khai thác đất phục vụ công trình của địa phương này nhưng lại chở sang địa phương khác bán) khi vi phạm căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định 36/2020/NĐ-CP như sau: Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó mà chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác, cụ thể như sau:
a) Từ 000.000 đồng đến 70.000.000đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác; cho dự án, công trình khác; b) Từ 000.000đồng đến 100.000.000đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác”Ngoài ra, căn cứ điểm c, khoản 3 Điều 52 xử phạt hành vi sử dụng khoáng sản không đúng mục đích quy định trong Giấy pháp khai thác khoáng sản như sau:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:…. c) Sử dụng khoáng sản không đúng mục đích quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho phép theo quy định;”
Hình phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi sử dụng khoáng sản không đúng mục đích. Mức phạt trên đây áp dụng cho cá nhân và gấp 02 lần khi áp dụng đối với tổ chức theo quy định.
Trước đó, Người Đưa Tin có bài “Quảng Ngãi: Vận chuyển đất san lấp ra ngoài tỉnh, trái giấy phép quy định” phản ánh về việc mỏ đất Gò Chùa được cấp mỏ không qua đấu giá chỉ để phục vụ Dự án Cầu Thạnh Đức, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (sau điều chỉnh) nhưng được tuồn vào cả Bình Định, đổ đất tại Dự án Khu đô thị phía nam cây xăng dầu Việt Hưng ngay giữa thanh thiên, bạch nhật. Hàng loạt xe tải nối nhau vào nhận đất, chở ra ngoài. Dù mỏ có lắp đặt trạm cân, nhưng trong thời gian PV ghi nhận rất nhiều xe không chạy qua bàn cân để giám sát khối lượng khai thác, tải trọng.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/vu-tuon-dat-ra-ngoai-tinh-chuyen-ho-so-de-quang-ngai-xu-ly-a157609.html