Chiều ngày 18/6, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp cùng Bệnh viện đa khoa Đức Giang tổ chức chương trình đào tạo về hiến, ghép tạng từ người chết não với sự tham gia của đông đảo cán bộ y tế trong bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn Hà Nội thực hiện hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế về đăng ký hiến tặng mô tạng, giác mạc cũng như triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não.
Tại chương trình, PGS.TS Đồng Văn Hệ- Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ thực trạng hiến, ghép tạng trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo ông Hệ, ở các nước phát triển, tỉ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não là rất cao, từ 50% - 60% và thậm chí là hơn 90%, như Tây Ban Nha, Pháp, các nước Bắc Mỹ. Những nước lân cận Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... cũng ghép tạng từ người chết não rất nhiều.
Còn ở Việt Nam thì số được ghép tạng hạn chế, đặc biệt là trong số người chết não, chỉ 0,15% (thống kê vào năm 2023), trong đó ghép tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức chiếm đến 95%.
Sau 32 năm ghép tạng, cả nước mới ghép được hơn 8.000 ca, trong 2 năm 2022 và 2023 thì số lượng ghép cao nhất, mỗi năm 1.000 ca (đứng đầu khu vực Đông Nam Á) nhưng danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người không có tạng để ghép.
Hiện, cả nước chỉ có hơn 80.000 người đăng ký hiến tạng và số lượng hiến tạng để ghép chủ yếu từ người sống (chiếm 94 - 95%), số người chết não hiến tạng còn thấp.
Chính vì không có mô, tạng nên hiện có 26 cơ sở hoạt động ghép tạng, ghép mô kém hiệu quả, không đồng đều, ít đầu tư và không đúng. Chỉ có khoảng 4 bệnh viện ghép trên 100 ca/năm, có nơi 1 tuần ghép 1 - 2 ca.
"Thực trạng hiện nay nhiều bệnh viện phải dừng ghép tạng, nguyên nhân không phải do không làm được mà là do không có tạng để ghép", ông Hệ nói.
Theo ông Hệ, hoạt động trong bệnh viện là chìa khóa thành công, nhất là hiệu quả của tổ tư vấn hiến tạng khi chết não. Xây dựng đội ngũ nhân viên y tế vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người là cấp thiết, vì không có nguồn thì không thể ghép.
Đặc biệt, vai trò của người tư vấn sau khi bệnh nhân chết não tại các khoa hồi sức, cấp cứu của bệnh viện. Bởi hằng năm có hàng ngàn người tử vong do tai nạn giao thông, nếu những người này hiến tạng, mô thì sẽ cứu được rất nhiều bệnh nhân cần ghép tạng, ghép mô.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não cho toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện là dịp để nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ nhân viên bệnh viện về tầm quan trọng của việc hiến tặng mô, tạng. Từ đó, nâng cao ý thức và có những hành động thiết thực đóng góp vào hoạt động hiến, ghép tạng tại Bệnh viện một cách hiệu quả.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/vi-dau-nhieu-benh-vien-phai-dung-ghep-tang-a157318.html