Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch khá nhiều cảm xúc khi VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm vào phiên 12/6 sau 2 năm dưới sự “chống lưng” của nhóm ngân hàng và một số mã khác trong nhóm vốn hoá lớn.
Tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh trong phiên cuối tuần khiến thị trường mất hơn 21 điểm và VN-Index nhanh chóng tuột mốc 1.300 điểm.
Trái với diễn biến chung của thị trường, cổ phiếu họ Viettel hút tiền mạnh và liên tục tăng điểm tốt. Trong đó CTR tăng kịch trần hai phiên liên tiếp để công phá mức đỉnh cao nhất trong lịch sử, mã này đã tăng 20% chỉ sau chưa đầy 1 tháng và tăng gấp đôi với mức giá 1 năm trước. Cổ phiếu VGI cũng chạm tay đến mức cao nhất trong lịch sử với mức tăng phi mã gấp hơn 3 lần chỉ sau 4 tháng.
Song song, cổ phiếu VTK cũng tăng tốt 9,6% lên 94.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ riêng trong 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã bứt phá hơn 70% để lên mức đỉnh lịch sử. Cổ phiếu VTP của Viettel Post cũng tăng kịch trần lên 88.300 đồng/cổ phiếu trong phiên 14/6.
Kết tuần, VN-Index giảm 7,67 điểm so với tuần trước, tương ứng 0,6% xuống 1.279,91 điểm. HNX giảm 0,42% xuống 243,97 điểm và UPCoM giảm 0,82% xuống 98,05 điểm.
Tuần qua, GVR giảm 5,7%; SAB giảm 6,6% và VIC giảm 3,5% gây áp lực lên chỉ số chung. Ngược lại, FPT tăng 6,8%; VPB tăng 3,9% và HVN tăng 5,5% là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường.
Thanh khoản nhích nhẹ so với tuần trước, riêng HoSE giá trị giao dịch bình quân tăng khoảng 7,7% so với tuần trước, đạt 24.516 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại tiếp đà bán ròng 5.723 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó bán ròng 5.524 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 49 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 248 tỷ đồng trên UPCoM.
Nhịp điều chỉnh là "điều kiện cần"
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCK VNDIRECT, phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua (14/6) chưa làm thay đổi xu hướng tăng trong trung hạn của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nền tảng vĩ mô trong nước vẫn ổn định và đang cải thiện trên một số mặt như: tăng trưởng GDP, giá trị xuất nhập khẩu tăng, ổn định tỷ giá và thị trường vàng.
Do đó, ông Hinh cho rằng, nhịp điều chỉnh lần này của thị trường có mức độ không lớn và sẽ không kéo dài.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh Tp.HCM CTCK DSC cho rằng thị trường chịu áp lực chốt lời phiên cuối tuần là cần thiết để tích lũy chắc chắn hơn trong bối cảnh thông tin hỗ trợ từ nay đến cuối tháng không còn gì nhiều, trong khi đó khối ngoại vẫn là ẩn số. Thị trường điều chỉnh về vùng cầu dày hơn là điều tốt để chuẩn bị cho một nhịp tăng mới.
"Với thanh khoản không quá cao, tôi cho rằng chưa quá đáng ngại và chưa có dấu hiệu để thị trường suy giảm quá sâu. Một đợt điều chỉnh khoảng 5% (nếu có) từ đỉnh là tương đối bình thường. Vùng hỗ trợ quan trọng hiện tại là quanh 1.240 - 1.250 điểm. Thời gian điều chỉnh dự kiến khoảng 2-3 tuần và hoàn toàn có thể có những phiên bẫy tăng giá", ông Bùi Văn Huy cho biết.
Lời khuyên cho nhà đầu tư
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong tuần giao dịch mới, ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị có thể xem xét giải ngân nếu chỉ số VN-Index tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.260 điểm (+/10 điểm).
Nhà đầu tư nên ưu tiên những nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh trong thời gian gần đây và có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2024 và nửa cuối năm nay, đơn cử cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép và xuất khẩu (dệt may, thủy sản).
Về chiến lược ngắn hạn, ông Bùi Văn Huy khuyến nghị nhà đầu tư nên hạ tỉ trọng margin và có lượng tiền nhất định để chủ động trước mọi kịch bản. Nếu thị trường về sát hỗ trợ 1.240 - 1.250 sẽ là cơ hội vào hàng cho nhịp mới. Nếu thị trường không về vùng kỳ vọng mà vẫn neo quanh đỉnh thì nhà đầu tư nên kiên nhẫn đợi số liệu vĩ mô và kết quả kinh doanh để có hướng hành động mới.
Nhìn xa hơn, ông Huy cho rằng bối cảnh thế giới sẽ cải thiện dần về cuối năm khi FED và các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới dần hạ lãi suất. Trong nước, nội tại được củng cố sẽ là lời trả lời cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư dài hạn nên tiếp tục nắm giữ nếu có danh mục phù hợp. Việc lướt sóng, đảo hàng trong nhịp điều chỉnh nhỏ chưa chắc có hiệu quả. Đối với nhà đầu tư chưa tự tin và danh mục chưa phù hợp, nhịp điều chỉnh là cơ hội phù hợp để tái phân bổ lại tỉ trọng và bổ sung thêm các cổ phiếu tiềm năng.
Đối với các nhóm ngành, chuyên gia vẫn cho rằng các cổ phiếu hưởng lợi theo đà phục hồi kinh tế vẫn sẽ là tâm điểm như bán lẻ, vật liệu, công nghệ, viễn thông, may mặc.
“Ngân hàng, bất động sản vừa có nhịp khởi nghĩa "xịt" và có lẽ lại cần phải đợi khi dòng tiền đủ khỏe và nỗi lo khối ngoại bán ròng dịu lại”, chuyên gia từ DSC nhận định.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/lang-kinh-chung-khoan-176-co-nen-gom-hang-luot-song-o-thoi-diem-nay-a157065.html