Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV): Muốn phát hành tăng vốn thêm 1.700 tỷ đồng

Cuối tháng 5 vừa qua, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của HHV đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu tăng 17% và lợi nhuận tăng 11% so với năm 2023.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, tính đến thời điểm 31/3/2024, CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV) có tổng tài sản 37.660 tỷ đồng nhưng quá nửa được tài trợ từ nguồn vay nợ. Số dư nợ vay tài chính của HHV cuối quý 1 lên đến hơn 20.000 tỷ đồng (95% là vay dài hạn), giảm nhẹ so với đầu năm.

Ngoài ra, HHV còn có khoản chi phí phải trả dài hạn lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay phải trả và trích trước chi phí lãi vay. Như vậy, chỉ riêng các khoản phải trả liên quan đến hoạt động vay nợ của HHV đã lên đến hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng tài sản của doanh nghiệp này.

Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV): Muốn phát hành tăng vốn thêm 1.700 tỷ đồng - Ảnh 1

Chủ nợ lớn nhất của HHV tại thời điểm cuối quý 1 là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với khoản nợ vay ngắn hạn hơn 872 tỷ đồng và nợ vay dài hạn trên 5 năm gần 18.234 tỷ đồng. Các khoản vay dài hạn lớn, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu khiến không ít nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của HHV.

Đầu tháng 5 vừa qua, trước tin đồn HHV đối diện nguy cơ phá sản, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch HĐQT HHV khẳng định, đó là thông tin không có cơ sở và không chính xác. Theo ông Hùng, đặc thù của những doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông khác với doanh nghiệp thông thường. Hơn nữa, thực tế các dự án thường có quy mô đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Nợ nần không phải vấn đề của riêng HHV mà nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả cũng đang đau đầu vì nợ. Theo BCTC hợp nhất quý 4/2023 (cho kỳ kết thúc là ngày 31/3/2024) của CTCP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, tại ngày 31/3/2024, doanh nghiệp này ghi nhận nợ xấu gần 9,8 tỷ đồng với CTCP Đầu tư Đèo Cả và nợ xấu gần 4,1 tỷ đồng với CTCP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa. Thời gian quá hạn là trên 3 năm. Giá trị có thể thu hồi được với Đầu tư Đèo Cả và BOT Đèo Cả Khánh Hòa lần lượt là là 9,8 tỷ và 0 đồng.

Theo BCTC năm 2023, Sao Bắc Đẩu cho biết, một phần giá trị của dự án CTCP Đầu tư Đèo Cả với số tiền 15,6 tỷ đồng chưa đủ điều kiện thu hồi công nợ do chưa đủ cơ sở quyết toán với Bộ Giao thông vận tải. Hiện tại, Tập đoàn đã trích lập dự phòng gần 5,8 tỷ đồng do đang trong quá trình chờ Bộ Giao thông vận tải quyết toán sau cùng cho liên doanh nhà thầu Đầu tư Đèo Cả và Sao Bắc Đẩu.

Dự kiến phát hành tăng vốn điều lệ thêm 1.700 tỷ đồng

Cuối tháng 5 vừa qua, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của HHV đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu tăng 17% và lợi nhuận tăng 11% so với năm 2023. Quý đầu năm, HHV đã ghi nhận doanh thu đạt 690 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng trường 28% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng, tăng 37% so với quý 1/2023.

Cũng tại ĐHĐCĐ, cổ đông HHV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2024 thông qua các phương án bao gồm (1) phát hành 20,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023; (2) chào bán riêng lẻ 73,5 triệu cổ phiếu; và (3) chào bán cho cổ đông hiện hữu 75,9 triệu cổ phiếu. Như vậy, HHV dự kiến sẽ phát hành tổng cộng gần 170 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn lên hơn 5.800 tỷ.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT HHV cho biết, dù đợt phát hành này rất quan trọng nhưng công ty luôn chủ động, không neo toàn bộ kế hoạch sản xuất kinh doanh vào những đợt phát hành cổ phiếu. Thay vào đó, HHV luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án huy động vốn khác. Dù vậy, với dư nợ khổng lồ hiện tại, không dễ để HHV huy động được vốn từ nguồn đi vay thêm.

Trên sàn chứng khoán, trái ngược với diễn biến khởi sắc của thị trường chung, cổ phiếu HHV không tạo được nhịp tăng nào đáng kể từ đầu năm. So với thời điểm cuối năm 2023, thị giá cổ phiếu này đã giảm hơn 14%. Giá trị vốn hóa thị trường tương ứng chưa đến 5.500 tỷ đồng.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/dau-tu-ha-tang-giao-thong-deo-ca-hhv-muon-phat-hanh-tang-von-them-1700-ty-dong-a156937.html