Mở rộng kênh bán, đảm bảo định danh người mua
Ngày 13/6, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điều chỉnh phương thức bán vàng qua kênh trực tuyến.
Với việc bán vàng online này, khách hàng có thể đăng ký mua vàng miếng SJC theo địa điểm mong muốn. Sau đó sẽ nhận xác nhận lịch hẹn về địa điểm, thời gian thanh toán, giao nhận vàng mà không cần phải đến trực tiếp để xếp hàng và lấy số giao dịch.
Sau khi đăng ký mua vàng trực tuyến, khách hàng cần đến địa điểm giao dịch theo địa chỉ và khung giờ tại xác nhận lịch hẹn. Trường hợp quá giờ hẹn từ trên 30 phút, Vietcombank hủy xác nhận lịch hẹn.
Khách hàng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân… để đăng ký mua vàng miếng SJC. Thời gian đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến hằng ngày là từ 9h00 - 16h00. Thanh toán và giao nhận vàng từ 13h30 - 16h00.
Ngoài ra, nhằm giảm tải cho các điểm bán và phục vụ nhu cầu khách hàng, Vietcombank đã mở thêm 4 điểm bán vàng miếng SJC cho người dân, trong đó 2 điểm tại Hà Nội và 2 điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tương tự, từ ngày 11/6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng mở thêm 2 điểm bán vàng miếng SJC tại Hà Nội. Đến ngày 12/6 đã có thêm 3 điểm nữa của Agribank tại thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng cung ứng vàng miếng SJC là các chi nhánh Agribank Chi nhánh Nam Sài Gòn, Agribank Chi nhánh Đông Sài Gòn và Agribank Chi nhánh Phú Nhuận.
Sau Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Agribank cho biết, đang chuẩn bị hạ tầng công nghệ để bán vàng trực tuyến từ tuần sau (17/6) khi chuẩn bị xong hạ tầng công nghệ. Việc các ngân hàng triển khai bán vàng online là một giải pháp nhằm xử lý tình trạng xếp hàng mua vàng những ngày qua.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại đang triển khai bán vàng miếng SJC cho biết, hiện đã xuất hiện rất nhiều “cò” xếp hàng mua vàng sau đó bán ra để hưởng chênh lệch. Thậm chí, xuất hiện cả các nhóm xã hội đen tham gia vào việc này.
Vị lãnh đạo này cảnh báo khách hàng cần thận trọng, tránh mua vàng từ những đối tượng này cũng như vàng trôi nổi trên thị trường vì không rõ nguồn gốc.
Lý do là bởi mỗi miếng vàng bán ra hiện nay đều được quản lý bởi số seri, giống như một mã số định danh gắn với miếng vàng đó. Khách hàng mua vàng cần xuất trình căn cước công dân (CCCD), ngân hàng sẽ nhập số seri bán cho khách hàng theo số CCCD của khách hàng, mọi thông tin hoá đơn sẽ được lưu trên hệ thống.
Nếu khách hàng mua vàng trôi nổi bên ngoài, chẳng hạn như mua qua các đối tượng là “cò” sẽ gặp rủi ro về truy xuất nguồn gốc vàng.
“Số seri trên mỗi miếng vàng được xem như mã số định danh gắn với khách hàng. Các ngân hàng hiện nay bán vàng ra đều phải lưu trữ số CCCD và phải có số hoá đơn, trên hoá đơn đó sẽ có số seri của miếng vàng và được lưu trữ vĩnh viễn trên hệ thống.
Nghĩa là sau này khi truy xuất nguồn gốc sẽ xác định được miếng vàng này được bán từ đâu, bán cho ai. Do vậy, người dân mua vàng trôi nổi bên ngoài cần hết sức chú ý nếu phải chứng minh nguồn gốc của vàng”, vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết.
Tìm giải pháp tăng nguồn cung
Thực tế, ngay sau khi có chủ trương bán vàng bình ổn trực tiếp tới người dân, lượng người xếp hàng mua vàng tại các ngân hàng rất đông. Vì thế, các điểm bán vàng thường xuyên bị quá tải, nhiều người xếp hàng cả ngày không mua được vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, nếu bán thấp hơn giá thị trường 5 - 10 triệu đồng/lượng thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ đổ xô mua. Nếu không cung ứng đủ, thì giá cũng sẽ không giảm hơn so với hiện tại là bao.
“Để bão hoà được thị trường, lượng vàng bán ra phải gấp 2 - 3 lần số vàng Ngân hàng Nhà nước đã bán trong các phiên đấu thầu. Đồng thời, mức giá mà Ngân hàng Nhà nước bán cho nhóm 4 ngân hàng cũng cần phải thấp thì mới tạo được hiệu ứng lan toả với những người có vàng. Theo đó, những người đang nắm giữ vàng cũng sẽ bán ra vì họ sợ giá trong thời gian tới còn giảm thêm nữa”, ông Khánh phân tích.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, có 2 yếu tố quyết định biện pháp này có thành công về lâu dài hay không. Thứ nhất, lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước đang có liệu có đáp ứng đủ nhu cầu không. Nếu muốn duy trì mức hiện tại sẽ đòi hỏi lượng vàng rất lớn. Thứ hai là giá bán phải phù hợp.
Về lâu dài, theo các chuyên gia, để quản lý thị trường vàng hiệu quả, phải xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Ở đó, thị trường được tiếp nhận các công cụ, các dịch vụ theo quy luật cung cầu và rời xa dần tập quán mua bán vàng dưới dạng vật chất.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến, để giải quyết được căn nguyên vấn đề, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng sàn giao dịch vàng. Trong đó, giao dịch mua bán thể hiện rõ trên thị trường như chứng khoán, từ đó người dân nhận định đúng thực tế sẽ giảm bớt cơn sốt vàng, giảm bớt hiện tượng bầy đàn, xô nhau đi mua vàng…
Mới đây, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng SJC và cho cả các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép mua bán vàng miếng chỉ để trực tiếp bán cho người dân.
Bởi lẽ, các ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty SJC chỉ bán vàng cho người dân tại một số chi nhánh ở thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, hiện nay xuất hiện hiện tượng người dân xếp hàng đông khi mua vàng.
Bên cạnh đó, người dân ở các tỉnh thành phố khác chưa có điều kiện tiếp cận để được mua vàng miếng SJC. Riêng việc chỉ bán vàng ra mà không mua vào có thể chưa tạo điều kiện khuyến khích người dân chuyển đổi vốn bằng vàng cho đầu tư phát triển.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ngan-hang-mo-kenh-ban-truc-tuyen-tiep-tuc-cac-giai-phap-binh-on-va-goc-nhin-chuyen-gia-a156827.html