Đại hội sẽ họp trực tiếp kết hợp trực tuyến và bỏ phiếu điện tử. Nội dung chương trình họp gồm: Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024; báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2023, phương hướng hoạt động năm 2024; báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán; phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ, chia cổ tức năm 2023 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024; sửa đổi chi tiết ngành, nghề đăng ký kinh doanh và cập nhật điều lệ Công ty…
Năm 2023, kinh tế thế giới chịu tác động lớn từ địa chính trị; chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì lãi suất từ 5-5,25% cao nhất trong 22 năm qua. Trong khi đó, thị trường phân bón chứng kiến sự biến động khó lường, giá đảo chiều rất nhanh và duy trì ở vùng trũng (thấp hơn 14% so với kế hoạch và giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022); sản xuất nông nghiệp dịch chuyển chậm hơn các năm nên các hoạt động xúc tiến bán hàng, công tác tiêu thụ bị ảnh hưởng; trong khi đó giá dầu vẫn duy trì ở mức cao tăng 18% so với kế hoạch…
Trước bối cảnh, tình hình mới nhiều biến động như trên, dựa trên nền tảng nguồn lực, hệ thống quản trị, PVCFC xác định phương châm hành động xuyên suốt cả năm là "Nỗ lực không ngừng - thay đổi phát triển", chủ động quản trị biến động, luôn bám sát diễn biến thị trường, luôn có phương án cập nhật điều chỉnh để ra quyết định phù hợp.
Theo đó, PVCFC tiến hành các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, tối ưu hóa sản xuất, áp dụng nền tảng thông minh vào quản trị điều hành giúp công tác quản trị chi phí tối ưu. Bên cạnh đó, PVCFC luôn tự đặt ra những mục tiêu cao, áp lực lớn để triển khai xuyên suốt từ đầu năm 2023. Tất cả các biện pháp này đã giúp PVCFC hiện thực hóa kế hoạch SXKD năm 2023 được ĐHĐCĐ giao bằng các con số cụ thể và ấn tượng.
Cụ thể, về kết quả hoạt động của PVCFC: Sản lượng sản xuất đạt 955.570 tấn, đạt 101% so với kế hoạch, đạt 104% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng sản xuất NPK đạt 151.110 tấn, đạt 103% so với kế hoạch, đạt 131% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tiêu thụ urê đạt 866.030 tấn, đạt 100,5% so với kế hoạch, đạt 103% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng tiêu thụ NPK đạt 138.610 tấn, đánh dấu sự xâm nhập thị trường ấn tượng của NPK Cà Mau, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các đơn vị sản xuất kinh doanh NPK uy tín và lâu đời trên thị trường.
Dù sản lượng sản xuất của Công ty tăng nhưng do mùa vụ đến trễ so với dự báo, giá bán quay đầu giảm mạnh nên tổng doanh thu đạt hơn 13.048 tỷ đồng, đạt 97% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế là 1.252,19 tỷ đồng, đạt 122% so với kế hoạch, tuy nhiên, chỉ bằng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân lợi nhuận năm 2023 giảm so với cùng kỳ do giá bán giảm quá sâu, mặc dù Công ty đã tăng cường công tác bán hàng và triển khai các hoạt động tối ưu hóa tiết kiệm tiết giảm, linh hoạt trong hoạt động quản trị điều hành nhưng vẫn không bù đắp được phần giá bán giảm sâu.
Dự kiến, HĐQT dự trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 chấp thuận chia cổ tức 2023 bằng tiền với tỉ lệ 20%, cao hơn 4% so với kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã thông qua và 10% cho năm 2024.
Minh Thi
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/phan-bon-ca-mau-chia-co-tuc-bang-tien-ti-le-20-a156614.html