Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch cuối tháng 5 khá giằng co. Nỗ lực phục hồi về vùng 1.280 điểm trong hai phiên đầu tuần đã bị xoá tan bởi áp lực bán tháo trong 3 phiên cuối tuần.
Kết tuần, VN-Index gần như đi ngang ở mốc 1.261,7 điểm. HNX tăng 0,6% lên 243,1 điểm và UPCoM tăng 1,2% lên 95,9 điểm.
Tuần qua, VCB giảm 3,3%; BID giảm 4,3% và VIC giảm 3,1% gây áp lực lên chỉ số chung. Ngược lại, HVN tăng 14,9%; LPB tăng 9,8% và MWG tăng 5,1% là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường.
Thanh khoản giảm hơn 24% trong 5 phiên xuống 20.971 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng 7.783 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó bán ròng 6.085 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 33 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 1.732 tỷ đồng trên UPCoM.
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCK VNDIRECT, sau một tuần giao dịch giằng co, thị trường đã bắt đầu đón nhận một số thông tin hỗ trợ.
Trong ngày 31/5, Mỹ đã công bố dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Theo đó, PCE lõi trong tháng 4 tăng 0,2% so với tháng 3, đánh dấu mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2023. Cả chỉ số CPI và PCE trong tháng 4 đều cho thấy hướng đi tích cực hơn của lạm phát tại Mỹ sau khi các chỉ số này cao hơn dự báo trong quý đầu tiên của năm nay.
Sau diễn biến trên, chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ điều chỉnh giảm, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với tỉ giá tiền đồng.
Trong nước cũng chứng kiến một số diễn biến tích cực trên thị trường vàng và tiền tệ. Cụ thể, sau khi tăng nóng thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có xu hướng hạ nhiệt sau động thái hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng quay đầu giảm. Giá vàng trong nước cũng hạ nhiệt sau thông tin 4 ngân hàng quốc doanh sẽ bán vàng bình ổn giá kể từ ngày 3/6.
Những diễn biến trên được kỳ vọng sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư trong tuần giao dịch tới. Đồng thời, chỉ số VN-Index cũng đã tiến gần tới vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm và khó lùi sâu dưới ngưỡng này.
Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trở lại trong tuần giao dịch tới, ưu tiên các cổ phiếu đã về vùng hỗ trợ cứng hoặc các cổ phiếu thuộc nhóm ngành đang có câu chuyện hỗ trợ như bán lẻ, bất động sản, điện và xuất nhập khẩu như dệt may, thủy sản.
Đồng quan điểm, chuyên gia đến từ Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, trong ngắn hạn, VN-Index đang tích lũy trong biên độ hẹp 1.250 -1.285 điểm sau khi vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm để quay trở lại kênh giá trung hạn 1.250 -1.300 điểm.
Trường hợp tích cực VN-Index có thể vượt qua vùng 1.285 điểm với triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong quý II/2024 thì sẽ hướng tới vùng 1.300 điểm. Nếu đánh mất vùng 1.250 điểm, VN-Index sẽ quay lại vùng tích lũy 1.200 - 1.250 điểm.
SHS cho rằng thị trường vẫn tích lũy khá tích cực, phù hợp các yếu tố đan xen trong bối cảnh hiện tại, với kỳ vọng sẽ duy trì được vùng hỗ trợ 1.245 -1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
Bên cạnh đó kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý II/2024 sẽ hỗ trợ cho xu hướng tích lũy tích cực.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng ở mức trung bình và tiếp tục quan sát diễn biến thị trường tại vùng hỗ trợ trong các phiên tới. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục, nếu tỉ trọng thấp vẫn có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng tích cực trong cuối năm.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/lang-kinh-chung-khoan-36-xem-xet-giai-ngan-tro-lai-a155755.html