Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đạt 3,6 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 5/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 870 triệu USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, trong khi xuất khẩu cá tra, mực, bạch tuộc tăng nhẹ. Riêng mặt hàng tôm thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý trong tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ tăng 36% đạt trên 95 triệu USD, trong đó các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 18%, đóng túi tăng đột phá gấp hơn 3,5 lần, cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 25% và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gần hơn 7 lần so với tháng 5/2023. Lũy kế tới hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5 tăng gần 92% đạt trên 26 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%, chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra tăng 10% và xuất khẩu, mực bạch tuộc và các loài cá khác đều tăng nhẹ 3% trong tháng 5. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra mang về gần 755 triệu USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu cá biển giảm 3% đạt 742 triệu USD, mực bạch tuộc đạt 236 triệu USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 5/2024, riêng xuất khẩu tôm giảm 1,5% đạt 326 triệu USD, tuy nhiên lũy kế 5 tháng đầu năm vẫn giữ được mức tăng trưởng dương 7% đạt 1,3 tỷ USD.
Mặc dù hiện tại chưa có bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đều tăng trưởng dương trong tháng 5 với mức tăng 5 - 26%, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ.
Tính tới cuối tháng 5, Mỹ vẫn dẫn đầu với mức tăng trưởng 13% đạt 635 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chỉ tăng trưởng khiêm tốn 3 – 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 10 tỷ USD năm 2024
Theo VTV so với mục tiêu tăng trưởng thận trọng đặt ra cuối năm 2023, mùa kinh doanh cao điểm lễ tết vừa qua đã giúp cho ngành thuỷ sản tự tin với mục tiêu xuất khẩu đạt 9,5-10 tỷ USD trong năm 2024. Thị trường ấm dần lên, đơn hàng tăng trở lại, các doanh nghiệp trong ngành nhận định, mục tiêu đặt ra có cơ sở để hoàn thành.
Thích ứng nhanh, phục hồi tốt là kỳ vọng ngành thuỷ sản đặt ra năm 2024. Thận trọng với các kế hoạch kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì đơn hàng ở thị trường trọng điểm và có thêm đơn hàng ở các thị trường ngách. Ngay trong quý đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã đón nhận tin vui khi đơn hàng có sự cải thiện rõ rệt so với thời điểm này năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, với tín hiệu lạc quan ở các tháng đầu năm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp, ngành thuỷ sản sẽ đón nhận những khởi sắc trong vấn đề tiêu thụ, có kỳ vọng xuất khẩu trong khoảng 10 tỷ USD.
"Ngoài việc triển khai các giải pháp, các đề án được Chính phủ phê duyệt, chúng ta đẩy mạnh chế biến, xúc tiến thương mại. Với thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, chúng ta đã có những nghị thư, sắp tới đây tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung’ - ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu ý kiến.
Nhận định của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, ngành tôm đang hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, các mặt hàng hải sản còn lại dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD. Thị trường sẽ phục hồi dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm.
Theo Vietnam+ trong quý 1/2024, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nhìn chung có nhích hơn so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp.
Các doanh nghiệp kỳ vọng sau các Hội chợ Thủy sản Quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản, đơn đặt hàng sẽ khởi sắc hơn và giá xuất khẩu sẽ tốt dần lên.
Các chuyên gia cho rằng thị trường xuất khẩu thuỷ sản chưa hẳn vẫn còn những thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác, vấn đề thẻ vàng IUU của thị trường EU, thuế chống trợ cấp tại Mỹ, căng thẳng Biển Đỏ và xung đột thương mại dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn tại Mỹ, Trung Quốc…
Trước những biến động của thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản, song cũng rất cần chủ động tìm kiếm khách hàng từ các hội chợ, triển lãm thủy sản quốc tế tại Mỹ, tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để có thể hồi phục và bứt phá sớm hơn.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/xuat-khau-thuy-san-5-thang-dat-36-ty-usd-ky-vong-tang-toc-cuoi-nam-a155749.html