Vải thiều Bắc Giang bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 20/5- 30/7, vải sớm từ ngày 20/5 -15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6 trở đi. Những ngày này trên vùng trồng vải sớm của tỉnh Bắc Giang, người dân đã bắt đầu thu hái, chủ yếu là phục vụ xuất khẩu với giá dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, cao hơn so với mọi năm từ 15-20%.
Với sản lượng 100.00 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023 do yếu tố thời tiết), ngoài tiêu thụ trong nước, năm nay Bắc Giang dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 70.000 tấn, chiếm 70% sản lượng toàn tỉnh. Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, tiêu thụ lớn, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua. Ngoài ra, trái vải cũng được xuất khẩu sang thị trường: Hoa Kỳ, Canada, Australia, EU, Nhật Bản, Thái Lan...
Trong những năm qua, nhờ làm tốt việc đa dạng hóa các kênh bán hàng, tiếp cận thị trường, nhất là thúc đẩy việc tiêu thụ trái vải trên các nền tảng bán hàng online, các sàn thương mại điện tử đã giúp sản phẩm trái vải Bắc Giang đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố và thị trường quốc tế với sản lượng tiêu thụ ngày càng lớn.
Có thể nói, thương mại điện tử đã chứng minh được tính hiệu quả và ngày càng trở thành xu thế đáp ứng cả nhu cầu của người bán lẫn người mua đối với mặt hàng nông sản nói chung và trái vải nói riêng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thúy - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Mediastep Software - Đại lý ủy quyền của sàn thương mại điện tử Alibaba tại Việt Nam cho biết, việc đa dạng hóa các kênh bán hàng trên nền tàng online đang trở thành một xu thế trong việc tiêu thụ mặt hàng nông sản.
Đối với trái vải, bà Thúy cho biết có 4 thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ rất lớn thông qua các sàn thương mại điện tử, bao gồm EU, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
“Bên cạnh hỗ trợ tiếp cận các thị trường tiềm năng, chúng tôi sẽ hỗ trợ người trồng vải và các doanh nghiệp Việt tối ưu hóa khi tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Trước hết là nhận diện phân khúc khách hàng và có sản phẩm phù hợp với từng loại khách hàng. Thứ hai là tối ưu hóa trong vấn đề nhân sự, hỗ trợ trong các khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có nhân sự có đủ hiểu biết về cách thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Thứ ba, chúng tôi sẽ hỗ trợ các đơn vị kinh doanh trái vải về vấn đề vận chuyển, thanh toán quốc tế, giấy tờ, thủ tục”, đại diện sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam khẳng định cho biết.
Để trái vải có chỗ đứng vững chắc trên các nền tảng bán hàng online, bà Nguyễn Thúy cho rằng, bên cạnh chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu, cần quan tâm đến việc bảo đảm các tiêu chuẩn, quy định hàng hóa của mỗi thị trường.
“Để tiếp cận tốt với khách hàng quốc tế, trái vải cần được xử lý tốt ở khâu chế biến sau thu hoạch, để bảo đảm đồng đều trong kích cỡ, độ tươi và khả năng bảo quản dài ngày”, bà Nguyễn Thúy nói.
Cũng chia sẻ về việc đưa trái vải lên sàn thương mại điện tử, ông Đinh Cao Điền – Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang cho biết, từ năm 2021 đến nay, ngành bưu điện đã tích cực trong việc phối hợp với các cơ quan ban ngành trong tỉnh và các hợp tác xã, các hộ nông dân thực hiện tuyên truyền, quảng bá, vận chuyển và tiêu thụ trái vải Bắc giang đến với người dân trên khắp cả nước thông qua mạng lưới của Bưu điện Việt Nam.
Theo đó, tận dụng mạng lưới vận chuyển rộng khắp của hệ thống Bưu điện Việt Nam, đường bộ, đường sắt, đường hàng không… trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2023, Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã thực hiện vận chuyển quả Vải tươi của tỉnh Bắc Giang đến 62 tỉnh thành trên toàn quốc đảm bảo lưu giữ được chất lượng tươi ngon của sản phẩm.
“Chúng tôi đã thực hiện đưa quả vải thiều lên sàn thương mại điện tử của Bưu điện (trước đây là sàn TMĐT Postmart.vn nay đổi tên là sàn Buudien.vn.) Hướng dẫn, tập huấn cho đại diện các HTX, người nông dân có sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là quả Vải thiều trên toàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau 3,5 năm vận hành, đã có 7.395 tài khoản người bán trên sàn thương mại buudien.vn, có 1.689 sản phẩm trong đó có 92 sản phẩm OCOP của tỉnh. Phát sinh 89.870 giao dịch, tổng giá trị giao dịch là 48,6 tỷ đồng”, ông Đinh Cao Điền cho biết.
Ngoài ra, Bưu điện tỉnh Bắc Giang cũng trực tiếp truyền thông quảng bá qua kênh nội bộ trên toàn mạng lưới của Bưu điện Việt Nam. Kết nối 62 Bưu điện tỉnh thành trên mạng lưới, cung cấp quả Vải thiều Bắc Giang đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc bằng mạng lưới vận chuyển xe chuyên ngành, Container Lạnh của Bưu điện Việt Nam. Sau 3 năm triển khai, Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ, kết nối tiêu thụ được hơn 5.000 tấn vải.
“Trong năm 2024 và những năm sau, Bưu điện tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai quảng bá sản phẩm Vải thiều Bắc Giang trên các kênh sàn thương mại điện tử buudien.vn và kênh nội bộ mạng lưới 63 Bưu điện tỉnh thành. Sẵn sàng tiếp nhận nhu cầu từ các Bưu điện tỉnh trên toàn mạng lưới, hỗ trợ các HTX, hộ nông dân trồng Vải thiều tại tỉnh Bắc Giang để tiêu thụ quả Vải Thiều Bắc Giang”, lãnh đạo Bưu điện tỉnh Bắc Giang khẳng định.
Để “bước chân” của trái vải trên nền tảng online ngày càng vững chắc, bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã và bản thân người trồng vải, rất cần sự định hướng, kết nối, hỗ trợ chuyển đổi của chính quyền địa phương.
Với vùng trồng vải có diện tích trên 1.420 ha, trong những năm qua, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) luôn xác định công tác kết nối tiêu thụ trái vải là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Ông Ngô Quốc Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết huyện đã chủ động phối hợp với Sở Công Thương, các tổ chức liên quan làm tốt công tác dự báo thị trường tiêu thụ, chuẩn bị phương án tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải với phương châm mở rộng tại tất cả các thị trường trong nước đặc biệt ở các tỉnh phía Nam; đồng thời tiếp tục phát triển tiêu thụ tại thị trường truyền thống Trung Quốc và mở rộng thị trường sang Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan,...
UBND huyện đã chủ động tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, một số tập đoàn, chuỗi siêu thị trong nước nắm tình hình thị trường tiêu thụ vải thiều năm 2024, đồng thời bàn một số giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân vào địa bàn tiêu thụ vải thiều cho nông dân.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, sản phẩm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên gắn với một số sản phẩm OCOP, hình ảnh du lịch của huyện.
Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, mua bán nông sản thông qua trang thông tin, sàn thương mại điện tử, Tiktok, Youtube….để người dân tiếp cận, trực tiếp bán sản phẩm.
Có thể thấy, từ các kênh offline đến online, từ khâu vận chuyển đến phân phối, từ người dân, doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng đều đang đồng lòng đẩy mạnh lưu thông nông sản. Với sự quyết tâm này, hy vọng điệp khúc "được mùa mất giá" sẽ không lặp lại, nông sản được chủ động tiêu thụ, chứ không cần ngồi chờ "giải cứu".
Mạnh Quốc - Hồng Nhung
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chung-tay-de-trai-vai-phu-song-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu-a155320.html