Nhà xây xong vẫn khó tiếp cận khách
Chị Phan Thị Nghĩ là công nhân trong Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Năm 2022, chị Nghĩ đăng ký mua thành công căn hộ trong dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Yên Phong. Căn hộ 67 m2 với 3 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh hiện đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Từ khi an cư, vợ chồng chị yên tâm làm ăn, các con nhỏ được đi học ổn định.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, mẹ chị Nghĩ cho biết, gia đình rất phấn khởi vì cặp vợ chồng trẻ đã có tổ ấm riêng, an cư để lạc nghiệp. Trước kia khi chưa mua được nhà, hai vợ chồng chị Nghĩ phải gửi con về quê cho ông bà chăm, gia đình mỗi người 1 nơi rất nheo nhóc.
"Nhờ có dự án nhà ở cho công nhân, các con tôi đã có nơi an cư, mặc dù gia đình phải chật vật mới thu xếp được tài chính để được sở hữu căn hộ nhưng ai nấy đều rất hài lòng bởi từ nay các con cháu tôi đã được sum vầy 1 nơi", bà Cúc nói.
Tuy nhiên, trường hợp chị Nghĩ là một trong số rất ít các gia đình công nhân mua nhà từ dự án tại Bắc Ninh. Bởi đa số công nhân là người ngoại tỉnh, có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí việc làm nên họ không "mặn mà" với việc mua nhà. Bên cạnh đó, thu nhập thấp cũng cản trở khả năng sở hữu nhà ở của nhóm người lao động này.
Khác với chị Nghĩ, anh Trần Đức Tuấn là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Yên Phong lại chỉ chọn phương án thuê nhà của người dân cạnh khu công nghiệp. Anh Tuấn chia sẻ, thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng chỉ đủ sinh hoạt cho gia đình, lo việc học cho con cái. Nếu mua nhà thì kinh tế eo hẹp và quá sức của hai vợ chồng dù giá nhà đã được ưu đãi. Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng ngần ngại bởi không phải người Bắc Ninh, công việc của người công nhân dễ thay đổi, chỗ nào lương cao là có thể chuyển đổi. Chính vì vậy, vợ chồng anh Tuấn vẫn lựa chọn phương án thuê phòng trọ.
Dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong đã hoàn thiện được hơn 500 căn hộ, chủ đầu tư mở bán từ cuối năm 2018 nhưng đến nay mới bán và cho thuê được khoảng 130 căn. Dự án hiện có giá bán 8,5 triệu đồng/m2 và giá cho thuê chỉ từ 1,17 triệu đồng/tháng/căn hộ. Mức giá này hoàn toàn phù hợp với thu nhập của công nhân lao động. Đại diện chủ đầu tư cho biết, vướng mắc nhất là điều kiện mua nhà chỉ dành cho đối tượng là công nhân trong các khu công nghiệp, trong khi đó người lao động đa số là công nhân ngoại tỉnh nên không có nhu cầu mua nhà, mà chỉ muốn thuê nhà ở.
Theo Sở Xây dựng Bắc Ninh, trên địa bàn hiện có 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp được thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 với mục tiêu: “Xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động, công nhân, người thu nhập thấp làm việc trong khu công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Phong và thị xã Thuận Thành”. Tuy nhiên, sau khi đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định thì gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, số lượng căn hộ nhà ở xã hội bán được rất ít.
Số liệu từ Sở Xây dựng Bắc Ninh cho thấy, chủ đầu tư đã công bố rộng rãi đến doanh nghiệp trên địa bàn để công nhân đăng ký. Tuy nhiên chỉ có 0,17% lượng công nhân được khảo sát có nhu cầu đăng ký mua/thuê nhà ở tại các dự án.
Cần gỡ rào cản chính sách
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, đối tượng là công nhân làm việc tại khu công nghiệp đăng ký mua/thuê nhà ở tại các dự án ít, trong khi đó nhu cầu về nhà ở của nhóm đối tượng xã hội khác đủ điều kiện rất cao lại không được mua tại các dự án này.
Tại địa bàn không có các dự án nhà ở xã hội khác sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa về nhà ở cho công nhân nhưng thiếu trầm trọng nhà ở xã hội cho các nhóm đối tượng khác, không đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, muốn bổ sung thêm đối tượng khác quy định tại Luật Nhà ở được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án này thì phải điều chỉnh mục tiêu đầu tư.
Theo ông Dũng, thời gian qua có một số khó khăn vướng mắc liên quan việc mua bán, thủ tục xác nhận đối tượng, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Những nội dung đó đã cơ bản được các hội nghị bàn bạc, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn và được sửa đổi bổ sung trong Luật Nhà ở 2023.
Vì vậy, thời gian tới, sau khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực, Sở Xây dựng Bắc Ninh sẽ phối hợp với các sở ngành tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến quy định của pháp luật. Đồng thời, khẩn trương tháo vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác và quản lý vận hành công trình nhà ở xã hội đặc biệt là nhà ở dành cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển 30.671 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025 và 41.514 căn hộ trong giai đoạn 2026 - 2030.
Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo đồng bộ giải pháp như: xây dựng, điều chỉnh phê duyệt Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở trong đó có nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030; rà soát quy hoạch để bổ sung, xác định quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; lập danh mục thu hút đầu tư. Qua rà soát, quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đã xác định khoảng 175 ha đất dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cơ bản đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở xã hội được giao.
Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai được 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; trong đó, 28 dự án đã hoàn thành, hoàn thành một phần. Giai đoạn từ nay đến 2030 tỉnh Bắc Ninh đã lên kế hoạch phát triển hơn 70.000 căn nhà ở xã hội; trong đó, có hơn 40.000 nhà ở cho công nhân.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nha-o-cong-nhan-vang-nguoi-mua-tai-thu-phu-cong-nghiep-bac-ninh-a155311.html