Điều chỉnh quy định về điều kiện vay nước ngoài đảm bảo đồng bộ trong giao dịch thư tín dụng

(Chinhphu.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.

NHNN cho biết, quy định về điều kiện vay nước ngoài cần được điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của hoạt động vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng.

Việc doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng về cơ bản phải tuân thủ quy định hiện hành về quản lý vay trả nợ nước ngoài. Các quy định về quản lý vay trả nợ nước ngoài hiện hành chưa có nội dung cụ thể để áp dụng đối với giao dịch phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng. 

Do đó, một số quy định tại Thông tư 08/2023/TT-NHNN có thể được bổ sung chỉnh sửa (như yêu cầu đăng ký khoản vay nước ngoài trung dài hạn; giới hạn về dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn,….), đảm bảo phù hợp với đặc thù là nghiệp vụ thực hiện trên cơ sở giao dịch thương mại, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng khi áp dụng thực hiện. Vì vậy, việc sửa đổi quy định về quản lý vay trả nợ nước ngoài là cần thiết để đảm bảo đồng bộ trong việc thực hiện các giao dịch thư tín dụng.

Dự thảo Thông tư được xây dựng nhằm điều chỉnh các quy định về quản lý vay trả nợ nước ngoài theo hướng phù hợp với đặc thù giao dịch vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng; không tạo ra khó khăn, vướng mắc trong việc thanh toán nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp pháp của doanh nghiệp; đồng thời vẫn đảm bảo được các mục tiêu quản lý an toàn nợ nước ngoài tự vay tự trả nói riêng và nợ nước ngoài nói chung.

Bổ sung quy định tại Điều 6 về nguyên tắc sử dụng vốn vay nước ngoài liên quan đến nguyên tắc sử dụng vốn của doanh nghiệp

Theo NHNN, việc thực hiện dự án đầu tư hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh về cơ bản bao trùm các hoạt động mua bán (trong đó có nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ); do đó, hoạt động nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ (dù thông qua phương thức thanh toán trả ngay hay trả chậm có sử dụng thư tín dụng) cũng không tách rời khỏi mục đích vay để thực hiện dự án đầu tư hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, do có sự thay đổi trong cách nhìn nhận nghiệp vụ thư tín dụng là cấp tín dụng nên cần có nội dung làm rõ nguyên tắc doanh nghiệp được vay nước ngoài để thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở trong nước, tránh các quan ngại coi việc vay nước ngoài để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu hàng hoá có sử dụng thư tín dụng là việc vay nước ngoài để cơ cấu lại nợ trong nước và không được thực hiện mục đích này do Thông tư 08/2023/TT-NHNN có quy định vay nước ngoài chỉ được sử dụng để thanh toán nợ nước ngoài. 

Do đó, dự thảo Thông tư bổ sung khoản 3 Điều 6: Bên đi vay được phép vay nước ngoài để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có sử dụng nghiệp vụ thư tín dụng mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở trong nước theo quy định về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng. Việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ này phải nhằm thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay đáp ứng các quy định tại Thông tư này.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển




Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/dieu-chinh-quy-dinh-ve-dieu-kien-vay-nuoc-ngoai-dam-bao-dong-bo-trong-giao-dich-thu-tin-dung-a155173.html