Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, ngày 22/5, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án VFBC), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã tổ chức sự kiện "Hành động vì động vật hoang dã".
Sự kiện sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng người dân địa phương về vai trò của việc gìn giữ các giá trị đa dạng sinh học, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ di sản quý giá cho các thế hệ tương lai.
Ngày 22/5 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về đa dạng sinh học. Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm nay được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề "Be part of the Plan" - "Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học" nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ "Phục hồi hệ sinh thái".
Hành động vì động vật hoang dã
Vườn quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam, với nhiều loài nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn.
Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả Việt Nam và thế giới.
Tại sự kiện, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học (Dự án VFBC) do USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) tài trợ đã công bố những kết quả nổi bật trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Vũ Quang trong thời gian từ tháng 7/2020-5/2024.
Dự án đã hỗ trợ đào tạo và thực hiện khảo sát đa dạng sinh học với 85 trạm bẫy ảnh và tiến hành đánh giá mối đe dọa đối với đa dạng sinh học bằng công cụ SMART.
Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ Vườn quốc gia Vũ Quang thành lập và đưa vào hoạt động một Đội tuần tra và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng (CPT) với 5 thành viên. Các thành viên trong đội đã được đào tạo các Kỹ năng cơ bản về tuần tra, gỡ bẫy, cứu hộ động vật hoang dã, quy tắc ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ, kỹ năng nhận biết một số loại động vật thường gặp, kỹ năng nhận biết một số loài thực vật quý hiếm và kỹ năng sơ cứu và an toàn môi trường xã hội trong tuần tra bảo vệ rừng.
Kể từ tháng 4/2023, các đội CPT đã tiến hành 33 cuộc tuần tra, gỡ bỏ gần 1.500 bẫy và ghi nhận 50 vụ việc vi phạm.
Cũng tại sự kiện, hơn 200 đại diện cộng đồng địa phương, cơ quan ban ngành và các em học sinh trên địa bàn huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh hưởng ứng lời kêu gọi của Vườn quốc gia Vũ Quang cùng cam kết không săn bắt, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã.
Thực tế cấp bách
Không chỉ ở Vũ Quang mà còn ở các khu bảo tồn khác, Việt Nam đang phải đối mặt với một thực tế cấp bách là mất đa dạng sinh học đáng kể trong bối cảnh quốc gia này đang là điểm nóng toàn cầu. Tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đang ngày càng bị đe dọa bởi quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác trái phép.
Ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc USAID Việt Nam chia sẻ, USAID Việt Nam, thông qua Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học, đã hợp tác với Bộ NN&PTNN để cung cấp hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính cho 21 địa điểm trên khắp Việt Nam nhằm phát triển hệ thống khu bảo tồn hiệu quả và khôi phục sự phong phú của động vật hoang dã tại Việt Nam. Là đối tác mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã và bảo tồn đa dạng sinh học, USAID cam kết hợp tác với chính phủ và chính quyền địa phương để giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học của Việt Nam.
Phó Cục trưởng Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) Phan Việt Nga cho biết các hệ sinh thái tự nhiên và tài nguyên đa dạng sinh học tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn. Chính vì vậy, theo bà Nga, cần tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong cải thiện sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã. Ngăn chặn, giảm thiểu sự xuất hiện, tác động của các loài ngoại lai, xâm hại đối với đa dạng sinh học thông qua các biện pháp kiểm soát, tăng cường quản lý con đường du nhập, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại. Giảm thiểu phát thải, nghiên cứu các giải pháp làm giảm tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học…
Linh Anh
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/co-trach-nhiem-voi-thien-nhien-chung-tay-bao-ton-dong-vat-hoang-da-a154590.html