Không phủ nhận vai trò và ý nghĩa của việc học tiếng Anh trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên việc “chuộng” chứng chỉ ngoại ngữ, lạm phát điểm số như hiện nay vẫn cần những sự điều chỉnh từ nhiều phía.
Chỉ nên coi chứng chỉ ngoại ngữ là một tiêu chí phụ, TS.Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng theo quy định hiện nay trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh nên việc chọn phương thức xét tuyển nào, lựa chọn những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ là quyền của các cơ sở giáo dục đại học.
Mặc dù vậy, ông Khuyến cũng lo ngại những năm gần đây khi xu mở rộng các phương thức xét tuyển vô hình trung tạo thành nguy cơ chọn yêu cầu đầu vào không đúng với ngành học cần.
Ở đây chuyên gia lưu ý, nên xem xét sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ cho ngành học cụ thể, cần yếu tố ngoại ngữ cao tránh đánh đồng cứ có chứng chỉ là học gì cũng được.
Cụ thể, ông Khuyến nêu ví dụ nhiều trường khối y dược cũng không nằm ngoài xu hướng tuyển sinh có chứng ngoại ngữ, “điều này là không phù hợp với ngành đặc thù vẫn cần phải ưu tiên những môn chuyên ngành, có tính hướng nghiệp để đảm bảo tuyển được đúng người, đúng trình độ. Những ngành không liên quan đến tiếng Anh hoặc liên quan ít đến chuyên môn thì không nên lấy đó làm tiêu chí để xét tuyển”, chuyên gia cho hay.
Ngoài ra, TS.Lê Viết Khuyến đề xuất chỉ nên lấy chúng chỉ ngoại ngữ làm tiêu chí phụ và trên thực tế có nhiều tiêu chí phụ khác mà các trường có thể lựa chọn như tích cực tham gia hoạt động xã hội, các thành tích xuất sắc trong học tập,… “các tiêu chí này nhằm cộng thêm điểm trong trường hợp nhiều thí sinh bằng điểm nhau, tạo sự phân loại thí sinh”, ông Khuyến bày tỏ.
Nếu duy trì tình trạng chuộng chứng chỉ ngoại ngữ như hiện nay thì cũng khó tránh khỏi tình trạng học sinh đua nhau đi học. Chuyên gia cũng lo ngại nhiều em chỉ chú trọng ôn thi để mong có được số điểm theo yêu cầu mà chểnh mảng các môn học khác sẽ dẫn đến việc học lệch sẽ rất khó để làm lại.
Ở góc độ khác, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nhận thấy việc trào lưu cho con đi luyện thi ngoại ngữ là không thể phủ nhận, tuy nhiên việc sử dụng những chứng chỉ này đang dần được hạn chế và phải chờ thêm thời gian để điều tiết lại chính sách.
“Công nhận chứng chỉ ngoại ngữ có thể bắt nguồn từ việc mong muốn thúc đẩy học sinh học tiếng Anh, nhưng cùng với đó cũng có nhiều tác động khác kèm theo mà người làm chính sách không đánh giá hết được”, ông Hoàng Ngọc Vinh đưa ra quan điểm.
Ông Vinh cũng cho rằng, việc lựa chọn học hay không học là nhu cầu của mỗi gia đình đặc biệt trong bối cảnh hiện nay các chứng nhận này lại rất được ưa chuộng.
Tuy nhiên, khi nở rộ chính sách này lại tạo ra sự bất bình đẳng, việc học, luyện thi lấy chứng chỉ sẽ thường chỉ tập trung ở các thành phố lớn, nhiều em đi học không xác định được đúng mục đích gây lãng phí, tốn thời giam.
“Học sinh nên học vì kiến thức chứ không nên vì một tấm chứng nhận. Các em vẫn phải tập trung vào các môn học cơ bản, nếu chỉ chăm chăm vào ngoại ngữ sẽ mất cân bằng và khó phát triển chuyên môn ở các lĩnh vực khác. Thậm chí nếu đã vào đại học, không có môi trường tiếng Anh tốt các em cũng khó trau dồi và nâng cao trình độ”, TS. Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ.
Ở Việt Nam, có nhiều loại chứng chỉ tiếng Anh khác nhau được sử dụng để đánh giá trình độ ngoại ngữ của người học, bao gồm các chứng chỉ tiếng Anh trong nước và quốc tế.
Chứng chỉ tiếng Anh trong nước: được tổ chức thi và cấp bằng tại Việt Nam.
Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: được tổ chức thi và cấp từ những đơn vị ủy quyền của các tổ chức uy tín trên toàn thế giới, chẳng hạn như ETS, Cambridge hay British Council. Ví dụ: CEFR, Cambridge, TOEIC, TOEFL, IELTS, APTIS, SAT, TESOL, PTE….
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chung-chi-ngoai-ngu-nganh-dac-thu-co-can-xet-tuyen-tieng-anh-a153714.html