Đề xuất điều chỉnh quy định đấu thầu vàng

Động thái đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp thời gian qua nhằm tăng cung vàng miếng trên thị trường. Thế nhưng, trong 3 phiên đấu thầu vàng gần đây, có tới 2 phiên bị hủy và 1 phiên “ế”, cho thấy giải pháp này chưa hiệu quả. Chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vấn đề này.

Chú thích ảnh Chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: CTV

Thưa ông, nhu cầu mua vàng miếng để đầu tư và tích trữ của người dân trong thời gian qua tăng đột biến, khiến nguồn cung khan hiếm. Ông đánh giá như thế nào về công tác đấu thầu vàng của NHNN?

Việc NHNN thực hiện các phiên đấu thầu vàng gần đây nhằm tăng nguồn cung sẽ giúp hạ nhiệt giá mặt hàng này, giúp rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước. Trên cơ sở tăng cung sẽ giúp giá vàng nhẫn 9999 sát gần với giá vàng quốc tế hơn. Trong thông báo đấu thầu, NHNN đưa ra giá khởi điểm là cần thiết, vì kết quả giá trúng thầu phải bám sát với giá vàng trên thị trường. 

NHNN muốn tăng nguồn cung phải theo sát giá thị trường, do vậy mới cần đấu giá. NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, nhưng không có nghĩa là phải bán hết số lượng này. Quy tắc đơn giản, thị trường cần tới đâu sẽ cung cấp tới đó, hoặc tùy theo sức mua, mục tiêu điều hành, NHNN có thể tổ chức thêm các phiên đấu giá vàng tiếp theo.

Việc đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới là mục tiêu Nhà nước đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, ngoài mục tiêu này, vẫn còn nhiều mục tiêu khác. Vì vậy, có thể thấy, cơ quan quản lý đang có những tính toán phù hợp. 

Về nhận định khách quan của tôi thì mức giá cọc mà NHNN đưa ra trong các phiên đấu thầu gần đây còn cao so với giá trung bình của thế giới, trong khi giá vàng miếng đang có xu hướng giảm. Quy tắc khi đấu thầu, giá phải bằng hoặc cao hơn giá tham chiếu, chứ không được phép thấp hơn. Thế nên, trong phiên đầu tiên, khi giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc được thông báo ở 81,8 triệu đồng/lượng, đã không có thành viên tham gia đấu thầu.

Khi NHNN hạ giá khởi điểm xuống còn 80,7 triệu đồng/lượng, lập tức có thành viên tham gia và kết quả có 2 thành viên trúng thầu. Theo đó, một thành viên ra giá ở 81,33 triệu đồng/lượng và một thành viên đưa ra giá trúng thầu ở mức 81,32 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá đảm bảo sát với diễn biến của thị trường.

Ông nhìn nhận ra sao về bối cảnh giá vàng nguyên liệu đang “nóng”, nhưng doanh nghiệp lại không mặn mà khi tham gia đấu thầu vàng, thưa ông?

Một số thông tin trong phiên đấu thầu đưa ra khiến doanh nghiệp đánh giá rằng NHNN luôn ở thế thắng. Chẳng hạn, sau khi đấu thầu, nếu không đủ vàng, NHNN được quyền hủy kết quả. Như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu là rất lớn.

Chưa kể, nếu doanh nghiệp trúng thầu vàng thì sau bao lâu, NHNN sẽ giao vàng? Khi tham gia đấu thầu với mức giá trên 80 triệu đồng/lượng, vậy trong thời gian chờ vàng về, giá vàng sẽ biến động ra sao? Nhận vàng về, doanh nghiệp còn phân bổ cho các đầu mối, rồi mới đưa ra hệ thống kinh doanh, nên biên độ rủi ro lớn và hầu như nhiều doanh nghiệp không mặn mà.

Theo quy chế đấu thầu của NHNN gần đây, các doanh nghiệp tham gia cần phải đặt cọc. Điều kiện để tham gia là phải chấp nhận mức giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng. Tôi cho rằng, mức giá này quá cao so với giá trung bình của thế giới và cũng cao trong điều kiện giá vàng miếng đang có xu hướng giảm. 

Theo ông, thị trường vàng sẽ có tác động ra sao nếu trong thời gian tới, NHNN sẽ thành công hơn trong các phiên đấu thầu với lượng cung ứng ra thị trường là 16.800 lượng vàng miếng?

Nếu đấu thầu xong gần 17.000 lượng vàng, thị trường vàng sẽ đỡ áp lực về cung, góp phần hạ giá vàng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lắng nghe cầu của thị trường đến đâu để đưa ra nguồn cung phù hợp.

Theo Hiệp hội Vàng, Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 1,5 tấn vàng mới đủ nhu cầu thị trường. Như vậy, rõ ràng với 16.800 lượng đấu thầu chưa "thấm" vào đâu. Việc tổ chức đấu thầu nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế, tôi cho rằng đây chưa phải giải pháp căn cơ. Về lâu dài, cần xem xét chỉnh sửa sớm Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Để thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vào các phiên đấu thầu, cũng như đảm bảo thành công cho các phiên đấu thầu, NHNN cần phải xây dựng được mức giá phù hợp để người đấu thầu tính toán được lợi ích của họ. Việc này phía NHNN có lẽ đã nhận ra, nên trong phiên đấu thầu vàng gần đây nhất, ngay lập tức, NHNN đã điều chỉnh mức tham chiếu xuống 1,1 triệu đồng/lượng, còn 80,7 triệu đồng/lượng, thay vì áp mức giá cũ là 81,8 triệu đồng.

Để phiên đấu thầu thành công, NHNN cần giảm giá đặt cọc đấu thầu vàng vì giá cao khiến doanh nghiệp phải cân nhắc. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/de-xuat-dieu-chinh-quy-dinh-dau-thau-vang-a153664.html