Đó là thông tin được ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng cho biết tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam.
Theo ông Cường, để hướng tới mục tiêu Net Zero 2050, cơ cấu nguồn điện thay đổi rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với giá điện tăng lên khoảng 30% so với kịch bản cơ sở thông thường.
Theo đó, với kịch bản Net Zero, không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), thậm chí nhà máy điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu. Mà nguồn năng lượng tái tạo – NLTT (điện gió, điện mặt trời) sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.
Cụ thể, tỷ trọng công suất NLTT tăng dần: Năm 2020 đạt 25%, năm 2030 đạt 32%, năm 2045 đạt 58%.
Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh, điều này đồng nghĩa với gánh nặng đầu tư rất lớn cho quốc gia.
Ở chỗ, nguồn điện NLTT là những nguồn điện gián đoạn do phụ thuộc thời tiết, nên cứ xây dựng 1 MW ĐMT chúng ta phải xây dựng thêm 1 MW pin lưu trữ, để dự phòng những thời điểm nguồn điện này không khả dụng.
Một điểm khác nữa, điện than có thể phát quanh năm với Số giờ vận hành công suất cực đại (Tmax) là 6.000h, nhưng điện gió chỉ có Tmax là 3.000h.
“Có nghĩa, bỏ 1.000 MW điện than thì tương đương với việc phải xây thêm 2.000 MW điện gió mới bù được công suất hụt này và cũng tương đương với việc xây thêm 4.000 MW điện mặt trời”, ông Cường nói và lý giải thêm, đó là lý do tại sao, khi vào xây dựng điện NLTT thì cần công suất rất lớn...
Ngoài ra, cũng theo ông Cường, công suất NLTT cần rất lớn còn do khu vực tiềm năng của NLTT lại ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Tính toán, xây dựng nguồn điện gió ở miền Nam hiệu quả hơn nhiều ở miền Bắc, bởi khu vực Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), có gió tốt nhất miền Bắc, nhưng chỉ đạt Tmax 3.000h, trong khi miền Trung đạt Tmax 4.200h.
“Do đó, chấp nhận xây đường dây truyền tải để đưa điện ra miền Bắc còn rẻ hơn xây điện gió miền Bắc”, ông Cường khẳng định và cho biết, điều này dẫn đến nhu cầu nâng cao công suất truyền tải từ miền Trung và miền Bắc lên 5GW đến năm 2035, 10 GW đến năm 2040.
Tất cả những thách thức trên khiến vốn đầu tư cho phát triển điện lực tăng cao.
Cụ thể, nếu đầu tư thông thường giai đoạn 2021-2045 cần khoảng 400 tỷ USD đầu tư nguồn và lưới, nhưng theo kịch bản Net Zero sẽ tăng lên 33%, tương ứng mức đầu tư khoảng 532 tỷ USD (Mỗi năm tăng 5 tỷ USD).
Đây là thách thức lớn cho nền kinh tế. Do đó, ông Cường cho rằng, thời gian tới, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho hạ tầng nguồn – lưới điện, mới cung cấp đủ điện. Chính phủ cũng đã ban hành Luật Điện lực sửa đổi cho phép tư nhân tham gia.
An Mai (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/de-dat-net-zero-2050-gia-dien-phai-tang-them-30-a153588.html