Đại lễ Phật đản và kỷ niệm 684 năm ngày hóa thân của Huyền Trân công chúa sẽ chính thức được diễn ra từ ngày 15-21/5 tại Khu di tích lịch sử văn hóa Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Đại lễ Phật đản mừng ngày đức Phật đản sinh và chương trình kỷ niệm 684 năm ngày hóa thân Thần mẫu Trần triều Huyền Trân công chúa có sự tham dự của các cấp lãnh đạo chính quyền; hơn 10.000 tín đồ Phật tử, nhân dân thập phương; đại biểu Tăng, Ni, các Hội Phật tử Việt Nam ở khắp các tỉnh thành, thành phố trên cả nước;…
Công chúa Huyền Trân sinh năm 1287, là em gái Vua Trần Anh Tông, con gái duy nhất của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh. Sứ mệnh của bà sinh ra như định mệnh với bờ cõi dân tộc Việt Nam.
Năm 1306, theo mệnh lệnh của Vua cha Trần Nhân Tông, bà lên kiệu hoa về nước Chiêm Thành làm vợ thứ 3 của vua Chế Mân với mục đích để giữ mối hòa hiếu giữa hai nước. Đáp lại thịnh tình cuộc hôn nhân ngoại giao này, Vua nước chiêm Thành đã dâng hiến hai Châu Ô và Châu Lý, tức từ đèo Hải Vân đến tỉnh Quảng Trị ngày nay cho nước Đại Việt.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ngắn ngủi của Công chúa Huyền Trân chỉ kéo dài hơn 1 năm do vua Chế Mân đột ngột mất vì bạo bệnh. Theo phong tục của Chiêm Thành, Huyền Trân là người được Chúa Chiêm yêu mến nhất nên phải lên giàn hỏa thiêu theo chồng.
Nghe tin đó, vua Trần Anh Tông là anh trai của công chúa Huyền Trân đã cử một đoàn sứ giả sang nước Chiêm Thành đón bà về. Trải qua 10 tháng lênh đênh trên biển, tháng 8 năm 1308, công chúa Huyền Trân cùng với đoàn mới về đến kinh thành Thăng Long.
Đầu năm 1309, công chúa Huyền Trân đã xin cha là Thượng hoàng Trần Nhân Tông - lúc đó đang tu ở Yên Tử cho bà xuống tóc xuất gia tu hành. Những đóng góp của bà cho công cuộc mở mang bờ cõi, độc lập dân tộc đã được ghi nhận trong lịch sử đất nước ta.
Sau khi xuống tóc tu hành, Công chúa Huyền Trân trở về chân núi Hổ Sơn, nay thuộc xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định sinh sống và tu hành cùng Công chúa Thụy Bảo là cô ruột của Công chúa Huyền Trân.
Tại đây, hai người cùng tu hành, phụng sự Phật pháp, khai hoang lập ấp, dạy dân trồng cây lương thực để cuộc sống ấm no, trồng cây thuốc nam để chữa bệnh và không ngừng chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng. Cuộc sống của bà đã gắn chặt với dân làng dưới chân núi Hổ Sơn. Cùng dân làng khai hoang lập ấp lập làng, ổn định cuộc sống.
Ngày 9/4 âm lịch năm Canh Thìn (1340), Công chúa Huyền Trân hóa thân tại làng Hổ Sơn. Ghi nhớ công ơn và tiếc thương người con gái nước Đại Việt nết na xinh đẹp đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình để đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi cho đất nước, Nhân dân làng Hổ Sơn đã lập đền thờ tại nơi bà tu hành. Hàng năm vào ngày 9/4 âm lịch là ngày kỵ của công chúa Huyền Trân, dân làng Hổ Sơn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công đức bà.
Đến với đại lễ Phật đản và kỷ niệm 684 năm ngày hóa thân của Huyền Trân công chúa, người dân địa phương cùng các vị Phật tử, chư khách thập phương sẽ được chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ kính trong không khí yên bình, thanh tịnh bên sườn núi Hổ; hòa mình trong không gian văn hóa lễ hội; tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa của địa phương; hiểu hơn về công lao của Thần Mẫu Huyền Trân công chúa; được đắm mình trong những thanh âm vang vọng của lịch sử, để lắng nghe khúc tráng ca bất hủ của Trần Triều oanh liệt, làm sống lại hào khí Đông A huy hoàng.
Trong khuôn khổ sự kiện, sẽ diễn ra những hoạt động hấp dẫn và đặc sắc như: Chương trình đặc biệt: "Nối đuốc mồi đèn thiền Trúc Lâm - Truyền trao Tâm ấn vị Tông phong - Huyền Trân nhập Trúc lâm Đại Việt; nghi lễ rước nước; rước lửa; rước kiệu; trải nghiệm các hình thức nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian…
Hiện nay, chùa Hổ Sơn vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Căn cứ vào giá trị lịch sử của ngôi chùa, ngày 27/9/2006, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định công nhận Chùa Hổ Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Công trình chùa Hồ Sơn ngày nay được tọa lạc trên nền đất chùa cũ và được quy hoạch mở rộng khuôn viên với tổng diện tích là 13 ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trong đó, khu thờ tự gồm có tòa Tam Bảo, Đền thờ Mẫu, Đền thờ Huyền Trân công chúa, nhà thờ tổ,…
Khi về với chùa Hổ Sơn, Nhân dân và du khách thập phương không chỉ được thành tâm lễ phật, được tìm hiểu thêm về cuộc đời của công chúa Huyền Trân - người con gái nước Đại Việt nết na xinh đẹp đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình để góp phần đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi cho đất nước mà còn được khám phá, tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất Vụ Bản./.
Nguyễn Hoàng
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tuong-nho-tri-an-cong-duc-cua-huyen-tran-cong-chua-a153514.html