Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chánh Văn phòng Bộ - Giám đốc văn phòng Phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2023, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132 quốc gia, theo tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố trong Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII). Việt Nam một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
“Chúng ta có lợi thế về nhân lực trẻ, được đánh giá cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, là tiềm lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đất nước. Ngoài ra, độ mở của đất nước cũng đạt mức cao trong khu vực, hội nhập sâu giúp chúng ta có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhanh”, ông Cường nhận định.
Theo Tiến sĩ Lê Khánh Duy - Trưởng Nhóm Nghiên cứu Tương tác Người-Máy, Đại học Khoa Học Tự Nhiên, những công nghệ mới như GenAI, blockchain, IoT đang thổi làn gió mới vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trong khi AI là công cụ giúp tối ưu về năng suất, có thể đóng vai trò như trợ lý, đưa ra gợi ý thì blockchain có thể giải quyết vấn đề quan trọng nhất của xã hội hiện nay là bài toán về lòng tin và minh bạch.
Theo Tiến sĩ Khánh Duy, trước đây mọi hợp đồng bắt buộc ký bằng giấy. Việc này mất thời gian nhưng đảm bảo niềm tin. Sau này chuyển đổi số, chúng ta dùng hợp đồng điện tử, nhưng vẫn chưa thực sự được ứng dụng rộng rãi dù giúp tiết kiệm thời gian vì thực tế nhiều người vẫn chưa tin vào tính an toàn. Với blockchain, tính bảo mật, công khai, minh bạch là rõ ràng, mọi người có thể tin tưởng nhau mà không cần thông qua trung gian, điều này giúp hiệu suất hoạt động cao hơn rất nhiều.
Còn theo bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance Việt Nam: Nếu là công nghệ nói chung chúng ta có thể xuất phát điểm chậm hơn thế giới. Nhưng may mắn là với công nghệ mới như GenAI, Blockchain, thời cuộc đã đặt chúng ta xuất phát điểm cùng thế giới. Cơ hội chia đều cho tất cả.
Riêng trong lĩnh vực blockchain, chúng ta có thể tự tin rằng Việt Nam đã có một khởi động tốt, khi có những dự án dẫn dắt xu hướng toàn cầu. Ví dụ: Sky Mavis - cha đẻ của GameFi nổi tiếng - Axie Infinity, từng được xem là kỳ lân của Việt Nam. Chưa đầy 3 năm đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, trong đó có 3/5 đồng sáng lập là người Việt Nam.
“Tuy nhiên chúng ta cũng phải thẳng thắn với nhau. Công nghệ, đặc biệt công nghệ mới thay đổi rất nhanh. Chúng ta có vị thế khởi đầu tốt nhưng để cạnh tranh lâu dài, chúng ta cần một chiến lược dài hơi từ cả startup đến định hướng của chính phủ”, bà Lynn nói.
Các diễn giả cho rằng một trong những nghịch lý của ngành công nghệ Việt Nam là các doanh nghiệp trong nước có thể tạo ra nhiều mô hình mới, xuất khẩu phần mềm đi khắp thế giới nhưng doanh nghiệp trong nước lại “lười áp dụng công nghệ”. Ngoài ra ông Nguyễn Mạnh Cường cũng chỉ ra ba thách thức lớn của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam gồm:
- Nhân sự chất lượng cao.
- Vòng đời công nghệ rất nhanh. Ví dụ như chiếc iPhone của Apple, vòng đời thương mại là 1 năm nhưng công nghệ bên trong thực ra chỉ có 6 tháng vòng đời. Thách thức của Việt Nam là nguồn lực đâu có thể nhắm đến, theo kịp tốc độ đổi mới sáng tạo đó.
- Thách thức thứ ba là tiền. Game tech là trò chơi nhiều tiền, các startup cần nhiều vốn để có thể cạnh tranh với sản phẩm quốc tế.
Ông Cường cho biết năm qua, thể chế chính phủ quan tâm, tháo gỡ khó khăn để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhanh chóng. Chính phủ cải thiện nhiều chính sách, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để ứng dụng nhanh công nghệ mới. Trong khi đó các trường đại học, doanh nghiệp cũng đang ngồi lại cùng nhau để giải quyết bài toán nguồn nhân sự chất lượng cao, đảm bảo sẵn sàng cho những làn sóng công nghệ mới.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/blockchain-ai-thoi-lan-gio-moi-vao-he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-viet-nam-a153452.html