Hàng loạt biện pháp cân bằng áp lực tỷ giá
Ngày 6/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 1 USD bằng 24.275 VND, giảm nhẹ 1 đồng so với ngày 4/5. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá trần là 25.457 VND/USD, tỷ giá sàn là 23.063 VND/USD. Nếu so với đỉnh khoảng 2 tuần trước ở vùng 24.275 đồng/USD, tỷ giá đã giảm khoảng 30 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại (NHTM), giá USD đã “hạ nhiệt”. Theo đó, Vietcombank giao dịch 25.157 – 25.457 đồng/USD (mua vào – bán ra), giảm khoảng 30 đồng/USD so với mức đỉnh khoảng 2 tuần trước. Một số ngân hàng khác như: Sacombank, BIDV, ACB… đồng loạt hạ giá giao dịch USD khoảng 30 đồng/USD so với vài tuần trước.
Trong những tháng đầu năm 2024, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD trong nước liên tục tăng “nóng”. Tuy nhiên sau tuần kỳ nghỉ lễ, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25 - 5,5%, đơn cử sáng 2/5, giá USD tại các NHTM giảm ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với trước.
Các chuyên gia Bộ phận Nghiên cứu Thị trường & Kinh tế Toàn cầu, ngân hàng UOB cho rằng: Việc NHNN can thiệp vào thị trường ngoại hối vừa qua đã giúp kiểm soát biến động tỷ giá. Dự báo trong quý II/2024, tỷ giá USD/VND cập nhật sẽ là 25.600 đồng/USD và hạ nhiệt dần vào 24.800 đồng/USD đến cuối năm 2024.
Đồng tình quan điểm này, đại diện Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định: Tỷ giá đã ổn định sau hàng loạt các biện pháp của NHNN. Vào tháng 4/2024, NHNN đã đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới; đẩy lãi suất liên ngân hàng nhằm hạn chế các hoạt động (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ); đồng thời bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm.
Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích MBS, những nỗ lực mạnh mẽ của NHNN thời gian qua đã giải tỏa phần nào tâm lý thị trường, nhu cầu USD giảm nhẹ theo mùa vụ đã giúp tỷ giá ổn định trong tuần cuối của tháng 4/2024. tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 đồng/USD trong quý II/2024 nhờ sự ổn định của môi trường vĩ mô, là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm nay.
“Để kiểm soát tỷ giá, NHNN có 2 công cụ chính. Một là, can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách giãn biên độ hoặc bán USD ra để làm tỷ giá hạ nhiệt. Nhưng việc bán USD là con dao hai lưỡi’, vì dự trữ ngoại hối của Việt Nam ngấp nghé 3 tháng đầu năm nhập khẩu là mức an toàn. Nếu tiếp tục bán USD ra, thì dự trữ ngoại hối giảm xuống dưới 3 tháng nhập khẩu, sẽ tạo ra mất an toàn cho ngoại thương”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, NHNN có thể phát hành một lượng trái phiếu của mình để hút tiền từ lưu thông vào. Khi lượng tiền lưu thông giảm đi, sẽ làm tỷ giá hạ nhiệt. Tuy nhiên, điều đó cũng không đảm bảo, bởi thực tế, trong năm qua, NHNN đã sử dụng công cụ phát hành trái phiếu, nhưng khi phát hành ra cũng phải có thời kỳ đáo hạn và mua lại. Lúc này, tiếp tục đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông nên chỉ giải quyết được tạm thời bài toán tỷ giá.
Cần giải pháp mạnh, như bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá
Để giải quyết bài toán về tỷ giá, theo nhiều chuyên gia kinh tế, NHNN phải có các giải pháp mạnh hơn nhằm hạn chế chênh lệch lãi suất USD và VND như bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết: “NHNN đã có phương thức can thiệp trực tiếp và đang thực hiện là bán ngoại tế. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt kỷ lục trên dưới 100 tỷ USD. Như vậy, chúng ta đang có công cụ can thiệp thị trường này, chưa kể các yếu tố như cán cân thương mại, cán cân vốn, thanh toán. Vẫn trong chừng mực nhất định có yếu tố tích cực. Do đó, có thể kiểm soát đuợc”.
TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: Chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam cần phải được xem xét, đánh giá tác động của tỷ giá hối đoái đối với tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, đối với các hoạt động đầu tư để từ đó NHNN có thể can thiệp đúng lúc, mức độ hợp lý.
“Từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ sớm ổn định, lý do chính khi FED hạ lãi suất thì giá trị đồng USD sẽ không quá mạnh, tôi rất đồng tình với cách can thiệp của NHNN trong thời gian vừa qua là can thiệp tín phiếu, vừa can thiệp thanh khoản, vừa hút tiền về vừa giúp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND không quá lớn”, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Mới đây, Ngân hàng UOB dự báo: Dù phải đối diện với những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, đồng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY. Theo đó, tỷ giá USD/VND có thể ở mức 25.600 đồng/USD trong quý II/2024, 25.100 đồng/USD trong quý III/2024, sau đó giảm về mức 24.800 đồng/USD trong quý IV/2024 và xuống mức 24.600 đồng/USD trong quý I/2025.
Theo Báo cáo dự báo tỷ giá và ngoại hối toàn cầu mới nhất của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của UOB, cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tháng 5/2024 đã đưa ra nhận định rằng: "Không có nhiều tiến triển đối với mục tiêu lạm phát 2% trong những tháng gần đây". Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã cố gắng xoa dịu nỗi lo lắng khi ông nhấn mạnh rằng, chính sách đang theo hướng thắt chặt cân bằng và FED sẽ không xem xét việc tăng lãi suất thêm nữa.
Nhìn chung, Nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của UOB duy trì kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất 2 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2024, vào tháng 9 và tháng 12/2024; mặc dù rủi ro vẫn còn nằm ở việc FED có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất lâu hơn nữa.
Theo UOB, trong lĩnh vực ngoại hối, tác động từ chu kỳ nới lỏng của FED bắt đầu muộn hơn dự kiến đối với đồng USD là rất rõ ràng. Gần như chắc chắn rằng, đồng USD có thể sẽ tiếp tục mạnh, ít nhất trong quý II/2024. Tuy nhiên, nhất quán với quan điểm về việc lãi suất của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới, UOB nhắc lại rằng, đồng USD sẽ lại suy yếu nhưng có thể bắt đầu muộn hơn vào quý III/2024. Rủi ro chính đối với quan điểm giảm giá của USD là việc FED giữ nguyên lãi suất. Phía UOB dự đoán, các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục yếu trong thời gian còn lại của quý II/2024.
UOB cũng giữ nguyên kỳ vọng về sự phục hồi của các đồng tiền châu Á nhưng sẽ bắt đầu từ quý III/2024. Rủi ro chính đối với quan điểm tích cực một cách thận trọng của UOB về ngoại hối ở châu Á là sự mất giá đột ngột của đồng CNY.
“Ở thị trường Việt Nam, USD/VND giao dịch lên mức cao mới trên 25.463 đồng/USD trong tháng 4/2024 cùng xu hướng với sự mạnh lên của USD so với các đồng tiền châu Á khác. Với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của FED đang giảm dần, tỷ giá USD/VND có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. NHNN cho biết, đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4/2024 và điều này có thể giúp kiểm soát biến động”, báo cáo của UOB nhận định.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/can-danh-gia-tac-dong-cua-ty-gia-doi-voi-tang-truong-kinh-te-a153425.html