Lực mua bất ngờ áp đảo trên nhóm nông sản sau những ngày liên tục đi ngang, với 5/7 mặt hàng tăng giá. Trong đó, giá khô đậu tương ghi nhận mức tăng trên 4%, là một trong các nguyên liệu tăng giá mạnh nhất thị trường trong ngày hôm qua.
Trái lại, nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục gặp sức ép, với sự lao dốc của giá cà phê, cacao và bông. Cùng chung xu hướng, nhóm kim loại cũng ghi nhận nhiều mặt hàng giảm giá trước kỳ vọng phục hồi từ phía nguồn cung. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 10% lên hơn 5.000 tỷ đồng, với dòng tiền được phân bổ nhiều nhất ở hai nhóm nông sản và kim loại.
Giá đậu tương chạm mức cao nhất 3 tuầnGiá đậu tương hợp đồng tháng 7 tăng vọt hơn 2% trong phiên hôm qua và chạm mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ tháng 11/2023. Lực mua được thúc đẩy mạnh mẽ ngay sau khi mở cửa phiên, trong bối cảnh mùa vụ tại Brazil tiếp tục bị đe dọa bởi yếu tố thời tiết.
Công ty Hỗ trợ kỹ thuật và Khuyến nông nông thôn Emater cho biết, các trận mưa lớn đã diễn ra tại bang Rio Grande do Sul, khu vực sản xuất đậu tương lớn thứ 2 của Brazil. Tính tới ngày 25/4, còn khoảng 34% diện tích đậu tương tại bang chưa được thu hoạch và những trận mưa kéo dài đã gây ra lũ lụt tại các vùng gieo trồng trọng điểm.
Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản trong phiên hôm qua với mức tăng lên tới gần 5%. Bên cạnh mối đe dọa về thời tiết đối với mùa vụ tại Brazil, những tin đồn trên thị trường về việc công nhân ở Argentina có thể nối lại các cuộc đình công để phản đối chính phủ cũng đã hỗ trợ giá khô đậu bật tăng.
Trái lại với xu hướng quốc tế, giá chào bán khô đậu giao tháng 6 cập cảng Cái Lân ghi nhận đà giảm so với tuần trước, với mức giảm khoảng 200 đồng/kg, hiện đang được giao ở khoảng 11.850 đồng/kg. Giá cập cảng Vũng Tàu cùng kỳ hạn được chào bán thấp hơn ở khoảng 11.700 đồng/kg.
Áp lực nguồn cung giải toả, giá kim loại cơ bản suy yếuKhác với diễn biến tăng giá áp đảo trên thị trường nông sản thế giới, nhóm kim loại ghi nhận biến động có phần trái chiều, với lực bán có phần nhỉnh hơn.
Giá đồng COMEX nối dài đà giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Sau khi thiết lập mức đỉnh 2 năm, giá đồng đang suy yếu trở lại khi rủi ro nguồn cung vốn đang dần được xoa dịu. Cụ thể, nhằm hạ nhiệt đà tăng mạnh mẽ của giá đồng, các nhà sản xuất của Trung Quốc đang lên kế hoạch xuất khẩu tới 100.000 tấn đồng tinh chế, mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Cùng chung xu hướng giảm, giá nhôm LME và niken LME cũng để mất hơn 1% giá trị do yếu tố nguồn cung cải thiện. Đối với nhôm, tồn kho các trong kho LME hiện đã tăng lên 88.625 tấn, làm giảm bớt lo ngại nguồn cung gián đoạn sau khi Mỹ và Anh ban hành lệnh cấm nhôm của Nga vào tháng trước, từ đó gây áp lực cho giá.
Đối với niken, theo thông báo của Chính phủ Zimbabwe, một trong những nước khai thác niken lớn trên thế giới, mỏ niken Trojan của nước này đã quay trở lại sản xuất sau 7 tháng ngừng hoạt động. Mỏ hiện có công suất sản xuất 5.500 tấn niken cô đặc hàng năm, có thể củng cố thêm cho nguồn cung, gây áp lực lên giá niken vốn đang chịu sức ép bởi tình trạng dư cung.
Đối với kim loại quý, áp lực vĩ mô suy yếu tiếp tục hỗ trợ giá bạc và giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp. Chốt ngày, giá bạc tăng nhẹ 0,3% lên 26,82 USD/ounce. Giá bạch kim neo tại mức 962,6 USD/ounce, sau khi tăng 0,81%.
Trong bản công bố kết quả cuộc họp lãi suất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), mặc dù tỏ ra lo ngại về lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên mục tiêu sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này giúp xoa dịu nỗi lo về nguy cơ Fed không hạ lãi suất hoặc thậm chí tăng lãi suất như thị trường dự báo trước đó. Đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm trong phiên, hỗ trợ giá kim loại quý duy trì đà tăng.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/gia-hang-hoa-nguyen-lieu-bien-dong-trai-chieu-a153322.html