Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới, từ lời nói đến hành động

Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ bản chất chống cộng, đang tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta, mũi nhọn là tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng. Vì vậy, đẩy mạnh đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề nguyên tắc, là một trong những quan điểm cơ bản, trọng yếu, xuyên suốt và bao trùm trong hệ thống quan điểm lý luận của Đảng, liên quan trực tiếp đến hệ tư tưởng của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Vai trò, tầm quan trọng của tư tưởng, lý luận đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định từ đầu trong tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ngay từ khi Đảng còn chưa ra đời, năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh, “phải giữ chủ nghĩa cho vững”, “Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt” và chủ nghĩa chân chính, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác - Lênin”.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn duy nhất phản ánh đúng quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy. Cho đến nay, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, là thế giới quan, phương pháp luận khoa học đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới; là “kim chỉ nam” cho hoạt động của các đảng cộng sản và công nhân trong cuộc đấu tranh thực hiện sứ mệnh lịch sử lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột, bất công và xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới.

Do bản chất khoa học và cách mạng nói trên, nên ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn bị các thế lực thù địch, phản động và cả thế giới tư bản chủ nghĩa tìm mọi phương cách, sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn xấu xa hòng phê phán, xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo, công kích, đả phá rất quyết liệt. Càng về sau sự chống phá đó càng trở nên điên cuồng, quyết liệt với quy mô mang tính toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu không giữ vững xã hội thì không thể có phương hướng chính trị đúng, không thể vạch rõ đường lối và phương pháp cách mạng, chiến lược và sách lược cách mạng để tập hợp lực lượng, gây dựng phong trào, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đấu tranh thực hiện lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề hệ trọng đầu tiên để giữ vững bản chất của một Đảng cách mạng chân chính, liên quan trực tiếp, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cách đây hơn 35 năm, khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới tại Đại hội VI (1986), Đảng ta đã xác định: Đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là đổi mới có nguyên tắc, là kiên định con đường đã lựa chọn - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đảng ta nêu rõ, nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải ra sức bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh kiên quyết, phản bác sự xuyên tạc, truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống đối và phản động ở trong và ngoài nước nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta. Phải kiên trì lý tưởng và mục tiêu, kiên định con đường đã lựa chọn, giữ vững vai trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền của Đảng Cộng sản, bất luận trong hoàn cảnh và tình huống nào.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hai mặt không tách rời của cùng một vấn đề mục tiêu: giữ vững niềm tin khoa học, tiếp tục đổi mới sáng tạo, bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nhân dân. Muốn thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc, cường thịnh, trường tồn thì phải ra sức tăng cường tiềm lực tư tưởng, trí tuệ của Đảng, sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và trong dân, nêu cao quyết tâm, tín tâm và đồng tâm từ trong Đảng đến ngoài xã hội, “cách mạng phải có sức mạnh tự bảo vệ” (V.I.Lênin), “cách mạng lấy sức mạnh từ trong nhân dân” (Hồ Chí Minh). Bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng thì tự nó đã có đủ sức mạnh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch để giữ vững niềm tin, củng cố đức tin, thúc đẩy hành động sáng tạo vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đấu tranh có hiệu quả để vạch trần và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là thái độ và hành động tích cực, chủ động để khẳng định giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo phương châm của Hồ Chí Minh, xây đi liền với chống. Tác phẩm lý luận quan trọng của Bác vào lúc cuối đời “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” có ý nghĩa sâu xa là vì vậy. Muốn bảo vệ thì phải trung thành, muốn trung thành thì phải vận dụng đúng và phát triển sáng tạo học thuyết, chủ nghĩa mà chúng ta theo đuổi. Cuộc đấu tranh trong lĩnh vực tư tưởng đòi hỏi Đảng, mọi cán bộ đảng viên, chiến sĩ và nhân dân không chỉ nâng cao nhận thức khoa học, trau dồi lập trường quan điểm chính trị và bản lĩnh chính trị vững vàng “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[2] như Đảng ta đã nhấn mạnh mà còn rất cần đến phẩm chất đạo đức trong sáng của mỗi người.

Từ nhận thức phải dẫn đến hành động, từ giác ngộ lý luận phải dẫn đến thực hành lý luận, lý luận gắn liền với thực tiễn. Cùng với sức mạnh của khoa học, chính kết quả của hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, biến khát vọng thành hiện thực, làm cho nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, một nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, làm cho Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, cả nước đồng lòng, nhân dân tin tưởng, gắn bó mật thiết với Đảng, với chế độ và Quân đội ta “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[3] như Bác Hồ chỉ dẫn… thì đó là sức mạnh tổng hợp để mọi quan điểm sai trái, thù địch không còn có thể nhiễm độc trong đời sống tinh thần của con người và xã hội. Cho nên, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Sự nghiệp của Đảng, của dân càng thu được những thành tựu to lớn, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng cao thì đó sẽ là minh chứng thực tiễn có sức thuyết phục lớn nhất, bền vững nhất về bản chất khoa học - cách mạng - nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, nhưng với những thành tựu vĩ đại và có ý nghĩa của hơn ba mươi lăm năm đổi mới đã chứng minh con đường chúng ta đi là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều đó chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng những không lạc hậu mà còn có sức sống bền vững, giá trị trường tồn và chưa có một học thuyết nào có thể thay thế được. Chỉ có những ai run sợ trước bản chất khoa học, cách mạng và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới cố tình xuyên tạc, không thừa nhận điều hiển nhiên nói trên.

Thời gian qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tuy có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả, nhưng nhìn chung có mặt còn hạn chế. Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị chưa đồng bộ, hiệu quả; việc định hướng tư tưởng, phản bác các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet còn bị động; việc khai thác những lợi thế của thông tin điện tử, mạng xã hội… để tuyên truyền và phản tuyên truyền còn hạn chế. Một bộ phận người dân mất cảnh giác khi tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin trên internet, mạng xã hội. Công tác tuyên truyền, quảng bá những thành tựu của đất nước, những mô hình mới có hiệu quả, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực còn hạn chế, chưa đủ sức “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” ... nên chưa hạn chế được những tác động tiêu cực của những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch

Thời gian tới, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội toàn cầu và sự tuyên truyền, chống phá quyết liệt, tinh vi của các phần tử xấu, thế lực phản động, thù địch để thúc đẩy sự “tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ cũng như những vấn đề mới nảy sinh, những diễn biến phức tạp của những mâu thuẫn xã hội ... Trong bối cảnh trên, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Để bảo vệ, phát triển và kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần quan tâm thực hiện một số việc sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và đảng viên về cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. Đây là giải pháp cơ bản, đồng thời cũng là yêu cầu đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức rõ trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay. Đây thực chất là cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa tư tưởng của giai cấp công nhân với tư tưởng tư sản, giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản và các thế lực thù địch, phản động. Đây cũng là cuộc đấu tranh bảo vệ những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã đổ bao xương máu mới có được. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, Đảng phải trong sạch, vững mạnh, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu và là tấm gương sáng về lời nói và hành động vì Đảng, vì Tổ quốc và vì nhân dân để dân tin và dân theo Đảng.

 Cần nhận thức đúng mối quan hệ giữa “bảo vệ” và “đấu tranh” trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là hai hoạt động cơ bản, gồm bảo vệ và đấu tranh, theo phương châm “xây” và “chống” trong công tác tư tưởng của Đảng, trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề quan trọng hàng đầu, được đặt lên trước; còn đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cơ bản, quyết liệt, hiệu quả, và suy cho cùng đây cũng chính là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tốt hơn.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về những vấn đề cốt lõi, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để cán bộ, đảng viên và nhân dân có thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn, tự trang bị cho mình sức đề kháng tốt, phân biệt được đúng-sai để có hành động có ích cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Gắn với “bảo vệ”, phải đẩy mạnh “đấu tranh” phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là hoạt động tất yếu và cấp bách với mục đích đưa ra những căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn vững chắn để vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng, phi thực tế của các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào hệ tư tưởng của Đảng, vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là việc làm phải kiên trì và có bản lĩnh vững vàng, phải có dũng khí và nghệ thuật đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng ta là: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong nội bộ và sự đồng thuận trong nhân dân để tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận chính trị hiện nay; tạo sức đề kháng trong mỗi người Việt Nam trước sự tác động, lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch.

Muốn phản bác có hiệu quả và mang tính chiến đấu cao, những người làm công tác tư tưởng, tuyên truyền không chỉ phải nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, chủ trương của Nhà nước, mà còn phải am hiểu tình hình đất nước và bằng lý lẽ, lập luận sắc bén để thuyết phục...

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật An ninh mạng; các quy tắc ứng xử trên môi trường mạng xã hội đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước về quyền thông tin, phạm vi thông tin khi tham gia các mạng xã hội. Mỗi người phải ý thức được quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia các mạng xã hội để không trở thành “cái loa” không công hay vô trình trở thành “cộng tác viên”, tiếp tay các thế lực phản động, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tự do, dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật.

Bốn là, cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đảng viên để có biện pháp giải quyết kịp thời. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội phải cụ thể, chính xác (về nội dung, đối tượng) để có biện pháp xử lý cụ thể. Tuyệt đối không được dựa vào “tin đồn” theo kiểu “nghe nói” mà không có chủ thể cụ thể. Phát hiện sớm những đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây ảnh hưởng xấu đến nội bộ cơ quan, tổ chức. Đồng thời, chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của các thế lực phản động, thù địch, phần tử hận thù, bất mãn, cơ hội chính trị, kém hiểu biết ... để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chúng. Khi phát hiện các vụ việc, sự kiện “nhạy cảm” có thể trở thành “điểm nóng”, cần tích cực, khẩn trương, chỉ đạo thống nhất, đồng loạt công tác đấu tranh phản bác, kể cả trên mạng xã hội và các công cụ truyền thông. Điều quan trọng là phải biết đối tượng chống phá là ai; nội dung, hình thức chống phá của họ là gì; âm mưu, thủ đoạn tiến hành của họ; đối tượng mà họ hướng tới là ai ... Có như vậy thì chúng ta mới có đối sách đấu tranh phù hợp, hiệu quả.

Năm là, đối diện với kẻ thù tư tưởng được tổ chức khá chu đáo, được trang bị vũ khí lý luận và tư tưởng, khoa học công nghệ và phương tiện hiện đại, có âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, cần xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt, chuyên trách tinh gọn, đủ mạnh, có trình độ hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật, am hiểu tình hình thực tiễn của đất nước, của thế giới, có tâm huyết, bản lĩnh, dũng khí và nghệ thuật đấu tranh, vượt qua mọi cám dỗ để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch cần phải thực hiện bằng những lời nói, hành động thực tế của mỗi người. Thực hiện điều đó cần triển khai đồng bộ những việc nêu trên. Mỗi nhóm giải pháp có vị trí, ý nghĩa, vai trò khác nhau, song có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời, nhóm giải pháp này là mục đích, là nội dung, là biện pháp của nhóm giải pháp kia và ngược lại. Vì vậy, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trở thành hiện thực trong cuộc sống đời thường bằng những lời nói, hành động thực tế hằng ngày cần vận dụng đồng bộ, sáng tạo các nhóm giải pháp nêu trên, không tuyệt đối hóa, không xem nhẹ bất cứ giải pháp nào. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong cuộc sống đời thường, bằng lời nói, hành động thực tế là mệnh lệnh trái tim mỗi người cộng sản.

Chúng ta tin tưởng rằng, cuộc đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước sẽ được bảo vệ vững chắc. Đó là những nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; của các bộ, ban, ngành và từng địa phương, cơ quan, đơn vị; của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Người Viết : TRẦN NGỌC KHÁNH HÀ

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 280, 289.

2.  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.33.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tr.435.

 

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-va-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-trong-boi-canh-moi-tu-loi-noi-den-hanh-dong-a133459.html