Lăng kính chứng khoán 9/6: Khả năng chịu sức ép khi tiến tới 1125 điểm

09/06/2023 11:00

Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi trong những phiên điều chỉnh, tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để giải ngân ở mức giá chiết khấu với nhóm chứng khoán, ngân hàng.

Dù đã vượt kháng cự 1.100 điểm nhưng rung lắc cực lớn khi dòng tiền đẩy bán đã khiến VN-Index mất 8 điểm, khối ngoại vẫn duy trì lượng bán hơn 2.000 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6, VN-Index giảm 8,22 điểm, tương đương 0,74% về 1.101,32 điểm. Toàn sàn có 139 mã tăng, 269 mã giảm và 38 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 3,55 điểm, tương đương 1,54% về 226,78 điểm. Toàn sàn có 83 mã tăng, 115 mã giảm và 48 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,54 điểm về 84,02 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 23 mã giảm giá.

Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 27.347 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 23.689 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 8.665 tỷ đồng.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán VCBS: Xét về khung đồ thị ngày, hai chỉ báo quan trọng là MACD và RSI cũng đang dần có dấu hiệu tạo đỉnh đầu tiên cho thấy sự hụt hơi của thị trường sau chuỗi phiên tăng điểm. 

VCBS giữ nguyên quan điểm, nhịp điều chỉnh của VN-Index là dễ hiểu và cần thiết để thị trường có thể tiếp tục hướng đến khu vực 1120 – 1125. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư kiên nhẫn chờ đợi trong những phiên điều chỉnh và tận dụng những nhịp rung lắc mạnh trong phiên để tìm kiếm cơ hội giải ngân ở các mức giá chiết khấu đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.

Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index bị bán mạnh và đóng cửa với mức thấp nhất phiên là tín hiệu tiêu cực của xu hướng ngắn hạn. Chỉ số đóng cửa dưới hỗ trợ ngắn hạn MA5 với volume lớn và tạo mẫu hình đảo chiều Evening Star cho thấy rủi ro giảm điểm trở nên cao hơn trong những phiên tới. Ngưỡng 1.092 của Gap tăng trước đó sẽ là hỗ trợ gần nhất của chỉ số. Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời bớt danh mục, giải tỏa toàn bộ margin.

Chứng khoán Rồng Việt: Có khả năng thị trường sẽ còn chịu sức ép và diễn biến rung lắc xảy ra thường xuyên hơn do VN-Index đang tiến đến vùng cản quanh 1.125 điểm, nhưng dự kiến thị trường vẫn sẽ được hỗ trợ và dần hướng đến vùng cản này trong thời gian tới. Vùng hỗ trợ gần nhất là khoảng trống tăng giá (gap up), tương ứng với vùng 1.090-1.095 điểm của VN-Index. 

Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát động thái hỗ trợ của dòng tiền. Tạm thời có thể nắm giữ các cổ phiếu đang có tín hiệu kỹ thuật tốt nhưng vẫn cần cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu đang chịu áp lực bán từ vùng cản. Ngoài ra, có thể cân nhắc nhịp chỉnh của thị trường để mua ngắn hạn một số cổ phiếu lùi nhanh về nền tích lũy trước đó.

Tin vắn chứng khoán

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 519.000 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11.5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527.100 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%. Cổ phiếu ngành bán lẻ tăng giá ở DGW (+1,88%), FRT (+0,35%).

- Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sắp có một đợt can thiệp quy mô lớn để vực dậy tỉ giá đồng Yen, trong bối cảnh đồng nội tệ này đang trượt giá do chính sách tiền tệ siêu lỏng của Nhật Bản. Dự báo trên được một số chuyên gia quan sát thị trường đưa ra trong bối cảnh đồng Yen Nhật đang mất giá mạnh thời gian gần đây. Tỉ giá đồng Yen so với USD đang ở rất gần mức 140 Yen đổi 1 USD.

Bạn đang đọc bài viết "Lăng kính chứng khoán 9/6: Khả năng chịu sức ép khi tiến tới 1125 điểm" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).