Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng, đây là cơ hội để tạo ra khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp công nghệ số, phù hợp với định hướng phát triển của lĩnh vực này. Nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ số đang trở thành xu thế mới và ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.
Theo đại biểu Vũ Hải Quân (Thành phố Hồ Chí Minh), cần đánh giá trong 20 - 30 năm qua, ngành công nghiệp công nghệ thông tin đã đạt được những kết quả gì, đâu là những tồn tại, hạn chế, khó khăn, đâu là rào cản và đối chiếu vào Luật Công nghệ thông tin để rút ra cái bài học kinh nghiệm trong công tác lập pháp, hoạch định chính sách. Đại biểu Vũ Hải Quân nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận xuất phát từ thực tiễn để xây dựng dự thảo Luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và quan trọng nhất là phải đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số đang đặt ra.
“Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật có thể trùng lắp, giao thoa với một số Luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử”, đại biểu nhấn mạnh và cho rằng cần chỉ ra được những điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp công nghệ số để từ đó đề xuất được những điều khoản, chính sách hết sức cụ thể trong dự thảo Luật nhằm phát triển lĩnh vực này.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, khoa học công nghệ nói chung, trong đó có công nghệ số phát triển và thay đổi rất nhanh, chính vì vậy, cần đưa vào dự thảo Luật nguyên tắc “tạo điều kiện cho Chính phủ có sự linh hoạt nhất có thể trong tổ chức thực hiện, nhằm vận hành quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghệ số thuận lợi nhất".
Góp ý chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Quan tâm đến chính sách về nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp công nghệ số, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Theo đại biểu, các chính sách nên tạo điều kiện cho các trường đại học đào tạo chuyên ngành lĩnh vực này có cơ hội để đầu tư phát triển hơn hoặc cho phép các trường đại học đầu tư mở rộng đào tạo ngành nghề này. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong khu vực công lập, nhằm khuyến khích lực lượng này tham gia phục vụ phát triển công nghệ số trong khu vực công.
Ủng hộ việc xây dựng dự thảo Luật này, đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) cho biết, thời gian qua, Đảng ta đã có chủ trương về phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và nhiều vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Luật Công nghệ thông tin cũng là cơ sở để chúng ta phát triển công nghiệp công nghệ số. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đại biểu đồng tình với quan điểm của Chính phủ là cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đặc biệt nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Công nghệ thông tin.
Liên quan đến quy định về dữ liệu số, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, Quốc hội đang thảo luận về Luật Dữ liệu và sắp tới Quốc hội bấm nút thông qua Luật Dữ liệu. Luật này có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội hàm rất cụ thể. Luật Công nghiệp công nghệ số cũng quy định các nội dung có liên quan đến dữ liệu. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát những gì thuộc về công nghiệp công nghệ số, những gì thuộc về vấn đề dữ liệu thì cần phân định cho rõ.
“Cần phân định rạch rời giữa hai luật này để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện”, đại biểu nhấn mạnh.
Về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, hiện nay nhiều doanh nghiệp về công nghệ thông tin dù nhỏ nhưng sức sáng tạo rất cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp công nghệ số, như các gói vay ưu đãi, hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này, thành lập các Trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại các tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn…
Các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quan tâm đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực trẻ để phát triển công nghệ số, có thể đưa công nghệ số vào giáo dục từ cấp trung học, tiếp cận càng sớm càng tốt. Chính phủ cần quy định cơ chế quản lý hạ tầng công nghệ để tránh trường hợp độc quyền, đảm bảo quá trình vận hành hạ tầng công nghiệp công nghệ số, phục vụ đắc lực cho việc chia sẻ, ứng dụng dữ liệu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh.