
Tỉnh đang đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp, từ rà soát đến đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục đầu tư, hướng đến đảm bảo quyền được an cư cho người lao động, công nhân và các đối tượng chính sách.
Đốc thúc giải phóng mặt bằng
Thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, tỉnh Bắc Ninh được giao chỉ tiêu phát triển trên 135 nghìn căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030; trong đó, khu vực tỉnh Bắc Ninh cũ là 72.200 căn, tỉnh Bắc Giang cũ là 74.900 căn.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, hiện toàn tỉnh đang triển khai 71 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất khoảng 255 ha. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ cung cấp khoảng 102.390 căn hộ, tương đương 9,12 triệu mét vuông sàn nhà ở. Trong số đó, 26 dự án đã hoàn thành, 5 dự án hoàn thành một phần, cung cấp 20.726 căn hộ. Còn lại 45 dự án đang trong quá trình triển khai, thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường để chuẩn bị xây dựng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Cụ thể, trong số các dự án đang triển khai, có 17 dự án gặp khó khăn trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số dự án tiêu biểu như: khu nhà ở xã hội Cát Tường Smart City (xã Yên Trung), khu nhà ở công nhân và thương mại - dịch vụ tại khu công nghiệp Yên Phong… cũng đang chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, một số dự án dù đã có sẵn đất sạch nằm trong quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội, song chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng hoặc triển khai nhưng chậm như: khu nhà ở xã hội và trung tâm thương mại xã Đại Đồng; khu nhà ở xã hội Golden Park (phường Phương Liễu).
Hiện nay, Tổng Công ty Viglacera đang triển khai dự án khu nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp xã Yên Phong với diện tích 9,6 ha, dự kiến xây dựng 2.376 căn hộ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Dự án khu nhà ở và dịch vụ công nghiệp Yên Phong, diện tích 9,56 ha vẫn còn 21 hộ nằm trong ranh giới thực hiện dự án chưa nhận tiền đền bù.
Phó Tổng Giámđốc Tổng Công ty Viglacera Trần Ngọc Anh đề xuất UBND tỉnh Bắc Ninh, các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp xã Yên Phong; hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 21 hộ nằm trong ranh giới thực hiện Dự án khu nhà ở và dịch vụ công nghiệp Yên Phong chưa nhận tiền đền bù.
Trước thực trạng trên, ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Xây dựng Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về nhà ở xã hội, đặc biệt là Luật Nhà ở năm 2023 và các văn bản liên quan. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và đầu tư xây dựng. Đặc biệt, chính quyền cấp xã cần xây dựng kế hoạch cụ thể, làm rõ các khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chủ động triển khai bồi thường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để báo cáo kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị và quy hoạch khu công nghiệp, nhằm bảo đảm đủ quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, bao gồm cả nhà lưu trú cho công nhân và lực lượng vũ trang. Đối với các khu đô thị có quỹ đất 20% chưa triển khai, ông Phạm Văn Thịnh giao Sở Xây dựng phối hợp với các Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện, bố trí nguồn lực sớm khởi công. Đồng thời, các sở, ngành cần tập trung hỗ trợ thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ.
Đảm bảo tiến độ thi công các dự án

Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu hoàn thành 15.920 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2025 và 18.139 căn trong năm 2026. Với tinh thần quyết tâm cao, các dự án đang được đẩy mạnh thi công theo đúng tiến độ đã cam kết.
Khu nhà ở xã hội số 2 thuộc khu đô thị phía Nam, phường Bắc Giang (Ecohome Sông Thương) đang được triển khai trên diện tích hơn 12.000 m2. Dự án gồm ba tòa nhà cao 19 tầng, được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh quốc tế, áp dụng công nghệ và vật liệu thân thiện với môi trường nhằm tiết kiệm năng lượng và tối ưu chi phí vận hành cho cư dân. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 1.300 hộ dân.
Hiện nay, giá trị xây lắp của dự án đạt khoảng 20% tổng khối lượng công việc. Chủ đầu tư đang tập trung thi công phần móng của ba tòa nhà. Theo ông Ngô Thanh Tùng, đại diện Ban quản lý dự án Ecohome Sông Thương, chủ đầu tư đã phối hợp với các ngân hàng để dành các gói vay ưu đãi cho các khách hàng trong diện được mua nhà ở xã hội. Các ngân hàng cũng tích cực phối hợp, cam kết giải ngân nhanh chóng để hỗ trợ khách hàng và đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Nhiều dự án khác cũng đang được chủ đầu tư đẩy mạnh thi công. Ông Trần Lê Trung, Giám đốc Dự án nhà ở xã hội Quang Châu (phường Nếnh) cho hay: dự án đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Đơn vị thi công đã tăng cường nhân lực, phấn đấu hoàn thành và bàn giao công trình vào cuối năm 2025.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương thường xuyên kiểm điểm tiến độ dự án; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, Sở Xây dựng Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn mới được 9 dự án nhà xã hội với quy mô khoảng 45ha. Các dự án này khi hoàn thành sẽ đáp ứng gần 30.000 căn hộ. Trên cơ sở đó, đối chiếu với các chỉ tiêu được Chính phủ giao trong năm 2025 là 16.000 căn hộ, cơ bản đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, sự quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cùng sự đồng hành từ doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng, Bắc Ninh có đủ cơ sở để hoàn thành và vượt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025-2030. Điều này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.