Giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa đặc trưng ở địa phương

04/06/2023 16:04

(Chinhphu.vn) - Xây dựng và giữ gìn văn hóa ở cơ sở, nhất là nét đẹp văn hóa đặc trưng các địa phương đang được các quận, huyện, thị xã của Hà Nội gìn giữ và phát huy, nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương.

Nhân dân tích cực hưởng ứng xây dựng làng văn hóa

Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, huyện Ba Vì chia sẻ, xã Ba Vì chiếm tới 98% đồng bào dân tộc Dao. UBND xã Ba Vì xác định nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và giữ gìn đời sống văn hóa cơ sở là xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, thôn, xóm, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Quá trình xây dựng làng văn hóa xã luôn thực hiện theo phương châm: Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau; việc nào thuộc về nhân dân thì gia đình, dòng họ đảm nhiệm; việc nào thuộc trách nhiệm tập thể thì phát động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Từ những cách làm sáng tạo, phong trào xây dựng làng văn hóa ở xã đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 90% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 100% các thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa. Các nhà văn hóa trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.

Phong trào"xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" được lan toả khắp các địa phương và được nhân dân tích cực hưởng ứng bằng các việc làm thiết thực như nhân dân hiến đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm, tham gia trồng cây xanh, vệ sinh môi trường hàng tuần, tham gia ủng hộ, tôn tạo các công trình phúc lợi của địa phương, ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của mỗi người dân được nâng lên rõ rệt.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì nhận định, nhìn chung trên địa bàn xã ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh có chuyển biến rõ rệt; cán bộ, công chức trên địa bàn xã đã thể hiện tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử đúng chuẩn mực hơn trong thực thi công vụ, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm chế độ giờ giấc làm việc cũng như hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức với người dân và doanh nghiệp được nâng lên.

Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Chia sẻ của ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cũng cho thấy, thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025", xã Ba Vì đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Với những nét văn hóa đăc trưng, riêng biệt, đồng bào Dao xã Ba Vì luôn đón nhận được sự quan tâm đặc biệt các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn xã luôn được gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Trên địa bàn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc Dao, đặc biệt là các nghi lễ: Tết nhảy, lễ cấp sắc, múa chuông, múa rùa, hội thi tiếng nói và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào; tổ chức và thành lập các câu lạc bộ, đội bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về tiếng nói, trang phục.

Hiện nay, các thôn trên địa bàn xã đều duy trì mỗi thôn 1 đến 2 đội bảo tồn hoạt động hiệu quả và tham gia tích cực các chương trình giao lưu văn hóa giữa các xã, huyện. Đội bảo tồn của xã thường được chọn đại điện các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội tham gia biểu diễn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Để bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể đang có nguy cơ mai một như: Tiếng nói, chữ viết, trang phục, Chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến đội ngũ: cán bộ, công chức phụ trách dân tộc, Người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, đây là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân trong công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị tại địa phương thông qua các lớp tập huấn, tham quan thực tế các mô hình hiệu quả từ các địa phương khác.

Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, diện mạo văn hoá của Xã Ba Vì đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng: Môi trường văn hoá có bước chuyển biến nhất định, thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp được phát huy; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng được đồng bào hưởng ứng mạnh mẽ; đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Chủ tịch xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, Chương trình 06-CTr/TU có sức lan tỏa sâu rộng và thổi một làn gió mới vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên khắp thành phố Hà Nội. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa với những tiêu chí cụ thể, sát thực, phù hợp đã và đang trở thành phong trào có chiều rộng và chiều sâu trên toàn xã.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế do điều kiện địa lý, trình độ dân trí, kinh phí, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở còn yếu... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả thực hiện chương trình.

Vì vậy, để nâng cao đời sống văn hóa các xã miền núi cần tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của các điển hình văn hóa tiêu biểu ở từng bản, làng, từng dân tộc để nhân rộng, hướng tới nâng cao và phát triển bền vững; khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, tích cực tự quản cộng đồng của bà con dân tộc thiểu số; quan tâm việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, cần được quan tâm đầu tư đồng bộ về hệ thống thiết chế văn hóa; thường xuyên chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở để tạo đòn bẩy để thưc hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở.

Xây dựng các mô hình tự quản do người dân là trung tâm

Tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, trong rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của tổ dân phố thì xây dựng đời sống văn hóa được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng. Phường Bồ Đề có thuận lợi ở chỗ, tổ dân phố đi vào hoạt động từ những năm đầu tiên khi Quận Long Biên thành lập, được quan tâm đầu tư hạ tầng đô thị hiện đại, nhà văn hóa được xây dựng, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ đầy đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa thể thao của người dân.

Phường Bồ Đề đã xây dựng một số mô hình tự quản mà ở đó người dân là trung tâm, vừa huy động các nguồn lực xây dựng mô hình, vừa thụ hưởng thành quả (có thể kể tới mô hình "Ngõ/phố xanh - sạch - đẹp", mô hình "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động truyền thông tại nhà văn hóa tổ dân phố"; mô hình "Không quảng cáo rao vặt"; mô hình "Tự quản về An ninh trật tự"..)…

Với nhiều giải pháp tích cực, phường Bồ Đề đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, tiêu biểu như kinh tế ổn định, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất; phong trào văn hóa thể thao phát triển, chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng cao. Riêng tại tổ dân phố 18, phường Bồ Đề, giai đoạn 2021- 2022, có 100% hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, 95% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, tổ được công nhận tổ dân phố văn hóa; 100% các hộ gia đình đồng thuận, hưởng ứng thực hiện cưới, tang văn minh (tỷ lệ cưới văn minh trung bình đạt 80%, tang văn minh trung bình đạt trên 90% và 100% thực hiện hỏa táng).

Thời gian tới, phường Bồ Đề xác định nâng cao chất lượng các danh hiệu, các mô hình văn hóa. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh tiêu chí/tiêu chuẩn các danh hiệu văn hóa: Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa... phù hợp với sự phát triển của địa phương.

Gia Huy


Bạn đang đọc bài viết "Giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa đặc trưng ở địa phương" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).