Ngày 07/8/2024, tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM đã diễn ra Lễ công bố chuỗi sự kiện thường niên “HO CHI MINH CITY FINTECH ROAD 2025”. Sự kiện do Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL), Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) đồng tổ chức kể từ năm 2025.

Lễ công bố chuỗi sự kiện thường niên “HO CHI MINH CITY FINTECH ROAD 2025”
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật chia sẻ, dưới sự phát triển nhanh chóng và tác động mạnh mẽ của công nghệ trong gần 15 năm trở lại đây, công nghệ tài chính đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính bằng cách phá vỡ các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống hay nói khác đi đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các fintech mang tính phá vỡ với các sản phẩm, dịch vụ hay quy trình mới vượt ra ngoài những phạm vi của pháp luật hiện hành. Các đổi mới của Fintech tạo ra sự dịch chuyển các công việc từ dịch vụ tài chính truyền thống sang lĩnh vực kỹ thuật số mới và trở thành một nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây là thách thức rất lớn cho các trung tâm tài chính hiện hữu đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời.
Theo các nghiên cứu gần đây về các trung tâm Fintech hàng đầu toàn cầu cũng như các nghiên cứu tình huống quốc tế về các trung tâm Fintech thành công trên toàn cầu, có sáu yếu tố chính để trở thành trung tâm Fintech.
Thứ nhất là: Cộng đồng khởi nghiệp Fintech sôi động: việc có nhiều sự kiện và hoạt động diễn ra sẽ tạo nền tảng cho việc thành lập và phát triển các công ty khởi nghiệp.
Thứ 2 là: Các công ty lâu đời có danh tiếng năng động: các công ty Fintech lớn có danh tiếng đầu tư vào các sản phẩm đổi mới và nâng đỡ các Fintech tiềm năng - các công ty khởi nghiệp không thể tự mình xây dựng trung tâm Fintech.
Thứ 3 là: Tiếp cận vốn rủi ro: Việc tiếp cận vốn rủi ro là rất quan trọng để tài trợ cho việc thành lập và phát triển của các công ty đổi mới sáng tạo.
Thứ 4 là: Sự hỗ trợ chính trị và Cơ quan quản lý “thân thiện”: Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ khu vực Fintech và công bố các hỗ trợ công khai, và các cơ quan quản lý cũng cần thay đổi từ tư duy đối phó sang chủ động và hợp tác hơn.
Thứ 5 là: Tiếp cận lao động chất lượng cao: Fintech là một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn chuyên và điều này phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận lao động chuyên môn có trình độ cao.
Thứ 6 là: Xây dựng thương hiệu trung tâm Fintech: Để thu hút lao động chất lượng cao quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, ... Việc xây dựng thương hiệu trung tâm Fintech là quan trọng.

Đại diên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM (UEL), Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) ký kết thoả thuận hợp tác.
Kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM đã xác định Công nghệ tài chính (Fintech) là một trong 4 trụ cột của trung tâm tài chính này. Thực tế cho thấy lĩnh vực công nghệ tài chính cũng là thế mạnh của Thành phố và đang được định hướng để tiếp tục phát triển. Trong nhiều năm liên tiếp, báo cáo Global Fintech Hub xếp TP.HCM trong danh sách các trung tâm Fintech mới nổi (Emerging Fintech Hub).
Ngoài ra, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, ĐHQG-HCM (IBT), hiện tại có khoảng 190 công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 70% là các công ty khởi nghiệp của Việt Nam, trong đó, khoảng 50% các công ty có trụ sở tại TP.HCM. Chính vì thế, HO CHI MINH CITY FINTECH ROAD (HFR) được tổ chức nhằm đóng góp cho sự phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính – một trong những trụ cột quan trọng cho tiến trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Theo đó, HFR là nơi hội tụ của cộng đồng doanh nghiệp Fintech, ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học cùng các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước để cùng trao đổi, thảo luận, kết nối và kiến tạo các ý tưởng sáng tạo, đề xuất kế hoạch hành động, các kiến nghị chính sách và giải pháp thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam.
Chương trình HCMC FINTECH ROAD 2025 (dự kiến) là một chuỗi các sự kiện sẽ được triển khai từ tháng 1 đến tháng 7/2025 tại TP.HCM gồm:
Chuỗi sự kiện về các cuộc thi học thuật cho sinh viên và doanh nghiệp; chuỗi sự kiện về các chương trình đào tạo liên quan đến các ứng dụng về khoa học dữ liệu trong tài chính và kinh doanh, Fintech; chuỗi sự kiện về Triển lãm của cộng đồng các doanh nghiệp Fintech, các ngân hàng, các doanh nghiệp công nghệ, các trường và viện đào tạo; chuỗi sự kiện về Diễn đàn đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.
Cũng trong chiều ngày 07/8, UEL đã tổ chức khánh thành đường nội bộ Công nghệ tài chính. Đường Công nghệ tài chính thuộc khuôn viên UEL, có chiều dài gần 260m. Việc xây dựng đường Công nghệ tài chính nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng cảnh quan, thoát nước, kết nối đồng bộ các tuyến đường nội bộ, khai thác hiệu quả không gian xanh, cải thiện môi trường sống, an ninh trật tự và cảnh quan chung của trường.
Công nghệ tài chính được xem là thế mạnh của TP.HCM.
Đặt tên đường là công nghệ tài chính có ý nghĩa đánh dấu việc UEL phối hợp với IDG Việt Nam và HIDS đồng tổ chức sự kiện thường niên HO CHI MINH CITY FINTECH ROAD, đồng thời, công nghệ tài chính cũng là một trong những lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu nổi bật của UEL.