Chính thức 'thâu tóm' khu đô thị 27 nghìn tỷ ở Bắc Ninh, ông lớn Phú Mỹ Hưng làm ăn ra sao?

26/09/2024 12:30

Công ty thuộc sở hữu của Công ty Phú Mỹ Hưng nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc-Xuân Lâm tại Bắc Ninh.

Chủ đầu tư dự án 27.000 tỷ ở Bắc Ninh

CTCP Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương (thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng) vừa nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh Bắc Ninh cho dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc-Xuân Lâm, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1.06 tỷ USD tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024.

Khu đô thị Hồng Hạc - Xuân Lâm có quy mô lên đến 198.5ha được quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nằm trên 3 xã Ngũ Thái – Song Liễu – Xuân Lâm. Dự án vốn được kỳ vọng là khu đô thị sinh thái chuẩn quốc tế, nhưng sau hàng chục năm triển khai dự án vẫn dở dang. Theo Phú Mỹ Hưng quảng bá, dự án sẽ tập trung vào sinh thái, mang đến nơi an cư như một resort, vừa nghỉ dưỡng vừa sinh sống.

Dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương vào năm 2010, và giao đất đợt 1 vào tháng 11/2011 để Công ty thực hiện. Đến tháng 11/2022, UBND tỉnh gia hạn thời gian sử dựng hơn 197.6ha đất thêm 24 tháng kể từ ngày 18/11/2022 do Công ty chậm triển khai dự án.

Hiện dự án đã hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao gần 198 ha. Phần hạ tầng của dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 11 năm nay.

CTCP Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương thành lập năm 2009; hiện có trụ sở tại phố Chùa Thầm, phường Xuân Lâm, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông Tseng, Fan Chih (quốc tịch Trung Quốc) làm Chủ tịch HĐQT.

Đến tháng 5/2015, công ty có vốn điều lệ 320 tỷ đồng, trong đó Công đoàn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) nắm 75%, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội Số 36 nắm 5%, và CTCP Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội nắm 20%. Sau đó, VietinBank đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 98,9% trước khi thoái hết vốn vào năm 2016. Ông Tseng Fan Chih tiếp quản vai trò Chủ tịch HĐQT từ tháng 6/2016 khi Phú Mỹ Hưng trở thành cổ đông chính với tỷ lệ sở hữu 99,68%.

Đến tháng 4/2022, cơ cấu cổ đông của công ty thay đổi khi Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences nắm 99,68% cổ phần, Công ty TNHH Phát triển Phú Thế Vượng và Công ty TNHH Tân Thuận mỗi bên nắm 0,16%. Nam Sài Gòn Residences được thành lập vào năm 2010, với các cổ đông sáng lập bao gồm CTCP Xây dựng và Kinh doanh Nhà Tân An Huy, Indochina Land Saigon Residences và Vpf Property Investment S 2 Limited.

Đến cuối năm 2016, công ty có vốn điều lệ 540 tỷ đồng, với 3 cổ đông Đài Loan được ủy quyền.Nam Sài Gòn Residences đã tăng vốn điều lệ lên 920 tỷ đồng vào cuối năm 2018 và tiếp tục tăng lên 6.120 tỷ đồng vào tháng 4/2022.

Hiện nay, Phú Mỹ Hưng nắm 99,91% vốn của công ty, còn Phú Thế Vượng và Phú Thế An giữ 0,045% mỗi bên.Trong lần thay đổi đăng ký vào tháng 7/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công Thương đã tăng vốn điều lệ từ 2.620 tỷ đồng lên 4.620 tỷ đồng, với Nam Sài Gòn Residences tiếp tục nắm giữ 99,98% cổ phần, Phú Thế Vượng và Tân Thuận mỗi bên giữ 0,01%.

Sau nhiều năm trì trệ, dự án đã chứng kiến sự thay đổi lớn về cổ đông khi nhóm cổ đông cũ của chủ đầu tư đã hoàn toàn được thay thế bởi nhóm cổ đông mới từ Phú Mỹ Hưng vào năm 2016.

Phú Mỹ Hưng đang làm ăn ra sao?

Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng được thành lập ngày 19/05/1993, là liên doanh giữa Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC – Việt Nam, tên cũ là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận) và Công ty Phú Mỹ Hưng Asia Holdings (tên cũ là tập đoàn CT&D – Đài Loan).

Dự án làm nên tên tuổi của Phú Mỹ Hưng là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng do liên doanh này phát triển tại Quận 7, TP.HCM. Tính đến nay, đô thị Phú Mỹ Hưng đã có 85 dự án nhà ở với gần 12.000 đơn vị nhà ở các loại, tổng sàn diện tích xây dựng gần 2,5 triệu m2.

Tính tới ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của Phú Mỹ Hưng ở mức 12.655 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,38 lần nửa đầu năm 2023 lên 1,77 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng nợ phải trả ở mức 22.399,3 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tăng từ mức 0,58 lần nửa đầu năm 2023 lên 0,63 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng dư nợ trái phiếu ở mức 7.972,6 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2024, Phú Mỹ Hưng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.367 tỷ đồng, tăng 112,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào kết quả kinh doanh qua các năm, có thể thấy Phú Mỹ Hưng duy trì lợi nhuận tích cực, một số thời điểm có lợi nhuận sau thuế khả quan hơn hơn so với hàng loạt doanh nghiệp bất động sản khác tại thị trường Việt Nam, nhất là giai đoạn thị trường khó khăn năm 2022-2023.

Phú Mỹ Hưng duy trì tỷ lệ đòn bẩy tài chính ở mức lành mạnh, thường vào khoảng 1,3 lần so với vốn chủ sở hữu. Với quy mô vốn chủ sở hữu lớn, nợ phải trả của Công ty thường dao động trong khoảng 18.000 - 22.000 tỷ đồng.heo thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Phú Mỹ Hưng đang sở hữu 6 lô trái phiếu, trong đó có 3 lô trái phiếu phát hành bằng USD.

Cụ thể, năm 2019, Phú Mỹ Hưng phát hành 2 lô trái phiếu PMH.300.2019 và PMH.1700.2019.01, lần lượt đáo hạn vào tháng 6 và tháng 8/2026, giá trị phát hành lần lượt là 300 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, lãi suất lần lượt 8,8% và 8,17%/năm.

Năm 2020, Công ty phát hành thêm lô trái phiếu PMH.1700.2019.02, đáo hạn tháng 6/2026, giá trị phát hành 900 tỷ đồng, lãi suất 7,15%/năm. 3 lô trái phiếu phát hành tại thị trường quốc tế trong giai đoạn 2020-2021, đáo hạn giai đoạn 2025-2027 với tổng giá trị phát hành 305 triệu USD.

Bạn đang đọc bài viết "Chính thức 'thâu tóm' khu đô thị 27 nghìn tỷ ở Bắc Ninh, ông lớn Phú Mỹ Hưng làm ăn ra sao?" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).