Biểu tượng khát vọng hòa bình và thống nhất non sông - Bài 1: Sứ mệnh lịch sử hai lần là 'kinh đô kháng chiến'

05/06/2023 16:04

Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã khắc tên mình vào tiến trình giữ nước với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, hai lần là “kinh đô kháng chiến”.

Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra mắt và hoạt động tại huyện Cam Lộ từ năm 1973 - 1975, là biểu tượng cho ý chí, khát vọng thống nhất non sông và ước nguyện hòa bình của nhân dân ta cùng các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6/6/1973 - 6/6/2023), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm hai bài viết với chủ để “Biểu tượng khát vọng hòa bình và thống nhất non sông”.

Chú thích ảnh Nhà trình Quốc thư thuộc Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Kinh đô kháng chiến
        
Huyện Cam Lộ vinh dự là mảnh đất hai lần được lịch sử lựa chọn đặt “kinh đô kháng chiến”. Vào năm 1885, tại thành Tân Sở, Vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên phò Vua đánh đuổi giặc Pháp, cứu giống nòi.

Bí thư Huyện ủy Cam Lộ Đỗ Văn Bình cho biết: Trong những năm đầu nhân dân ta đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam, nhân dân Cam Lộ trực tiếp đóng góp công sức, tài lực trong việc xây dựng thành Tân Sở, bảo vệ an toàn lộ trình Vua Hàm Nghi đi qua và thời gian sống ở địa phương. Khi có Chiếu Cần Vương, hàng ngàn thanh niên Cam Lộ hưởng ứng, tham gia nghĩa quân chống Pháp, đóng góp cho phong trào nhiều nghĩa quân kiên cường.
        
Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cam Lộ lại được chọn làm nơi đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Trụ sở Chính phủ), từ năm 1973 - 1975. Trụ sở Chính phủ trở thành nơi hội tụ phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đấu tranh trực diện với quân thù, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngược dòng thời gian, sau Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, tại tỉnh Quảng Trị, hình thành hai khu vực khác nhau. Đó là vùng giải phóng chiếm 85% diện tích, tiếp giáp miền Bắc xã hội chủ nghĩa và vùng tạm thời bị địch kiểm soát chỉ còn 15% diện tích. Quảng Trị lúc này có vai trò chiến lược về chính trị, quân sự và ngoại giao khi liên thông với khu căn cứ cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế, vùng giải phóng hạ Lào; đồng thời tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
        
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa (sau này là khu phố Tây Hòa, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) để đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Công trình được xây dựng trên diện tích 17.300 m2, chia làm hai khu độc lập A và B. Khu A gồm ba dãy nhà: Nhà làm việc của Chính phủ, Nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, Nhà ăn dành riêng cho khu A. Khu B gồm 5 dãy nhà: Hai nhà khách làm nơi lưu trú của các Đại sứ; ba dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo Đại sứ các nước, phóng viên báo chí, nhân viên cán bộ Chính phủ. Kết cấu của các khu nhà theo kiểu nhà lắp ghép, mái nhọn, kèo bằng sắt, lợp tôn, trần và vách bằng gỗ.
        
Tròn 50 năm đã trôi qua, ông Đào Công Tường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn không quên ký ức về những ngày làm việc tại đây. Ông kể lại: Thời điểm ấy Cam Lộ mới giải phóng, đời sống kinh tế bà con còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với tinh thần tất cả vì mục tiêu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhân dân đã tích cực đóng góp công sức để xây dựng, bảo vệ Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và các đoàn khách quốc tế đến thăm vùng giải phóng. Trong ngày lễ mít tinh thành lập Trụ sở Chính phủ, đông đảo người dân khắp các vùng của Quảng Trị đã tụ họp về đây với một tâm thế hồ hởi, vui tươi, tự hào. Từ năm 1973 - 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đón tiếp các đoàn khách ngoại giao, phóng viên báo chí các nước đến thăm và làm việc tại Quảng Trị; đoàn Đại sứ đến trình quốc thư diễn ra an toàn, tốt đẹp.

Ngày 6/6/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt trước hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Quảng Trị. Đại biểu của 19 nước đã tới dự và trình Quốc thư. Từ đây, vị thế và uy tín của cách mạng miền Nam ngày càng cao và mở rộng trên thế giới. Việc thành lập khu Trụ sở Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết nhân dân miền Nam, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam được Đại hội Đại biểu Quốc dân giao toàn quyền điều khiển và giải quyết mọi công tác đối nội và đối ngoại.

Sứ mệnh vẻ vang       

Chú thích ảnh Khu trưng bày ảnh về các hoạt động đối ngoại của Chính phủ tại Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Tại Trụ sở Chính phủ, từ năm 1973 - 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có nhiều hoạt động đối nội và đối ngoại tích cực khi đón tiếp hơn 49 đoàn khách quốc tế, Đại sứ các nước đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao. Đồng thời, nơi đây đã đón tiếp nhiều vị lãnh tụ các nước như: Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba; đồng chí Georges Marchais, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp... Bên cạnh đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cử nhiều đoàn cấp cao đi thăm các nước và tham gia phong trào tiến bộ trên thế giới, qua đó không ngừng nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế.
        
Nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, ông Dương Tú Anh (86 tuổi) vẫn nhớ mãi những ngày tháng không thể nào quên. Ông nhớ lại: Vào tháng 9/1973, lãnh tụ Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba đến thăm huyện Cam Lộ để chia sẻ với cuộc sống chiến đấu và lao động gian khổ của người dân. Lúc này, Cam Lộ mới giải phóng xong, khung cảnh hoang tàn, tiêu điều do bom đạn, xác xe tăng, xe bọc thép của Mỹ bị quân giải phóng phá hủy nằm ngổn ngang trên chiến trường.

Khi đến thăm và dự mít tinh tại Cao điểm 241 Tân Lâm (Cam Lộ), lãnh tụ Fidel Castro đã phất cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và hô lớn: “Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn.”, “Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Lúc ấy, tất cả người dân tham dự đều rất vui mừng, phấn khởi, tự hào. Sự hiện diện của vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên ở vùng đất vừa mới được giải phóng ở miền Nam đã trở thành nguồn động viên và cổ vũ lớn lao đối với quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Với những chiến lược, sách lược nhạy bén, sáng suốt, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ đó đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn, giang sơn thu về một mối vào ngày 30/4/1975; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình.       

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, từ sau khi ra mắt tại Quảng Trị đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có nhiều hoạt động nổi bật, khẳng định vị thế trên trường quốc tế và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù chỉ hoạt động từ năm 1973 - 1975 nhưng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có nhiều đóng góp nổi bật, tạo dựng nên hình ảnh một chính quyền cách mạng vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ. Đây là chính quyền đại diện duy nhất ở miền Nam Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận. Với khát vọng hòa bình và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
        
Trong suốt chặng đường dài dựng nước và giữ nước, Cam Lộ đã khắc tên mình vào lịch sử dân tộc như một vùng đất phên dậu, linh thiêng và anh dũng với hai lần trở thành “kinh đô kháng chiến”. Nơi đây mãi là biểu tượng cho khát vọng hòa bình và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam và là minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của nhân dân ta.

Bài cuối: Cam Lộ trên hành trình đổi mới

Bạn đang đọc bài viết "Biểu tượng khát vọng hòa bình và thống nhất non sông - Bài 1: Sứ mệnh lịch sử hai lần là 'kinh đô kháng chiến'" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).